ĐIỀU LỆ HỘI

ĐIỀU LỆ

HỘI GIA ĐÌNH TRẺ BẠI NÃO VIỆT NAM

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 06 ngày 15/01/2020 V/v Công nhận thành lập
Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam)

Điều 1. Tên gọi

  1. Tên gọi bằng tiếng Việt: Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam.
  2. Tên giao dịch bằng tiếng Anh: Cerebral Palsy Family Association Vietnam
  3. Tên tiếng Anh viết tắt: CPFAV
  4. Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam có biểu tượng (logo) riêng.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

  1. Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam là tổ chức xã hội, phi lợi nhuận, tập hợp các gia đình có con bị bại não và những người quan tâm đến trẻ bại não.
  2. Mục đích của Hội là nơi chia sẻ, giúp đỡ các gia đình có con bị bại não, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cho cha mẹ về chăm sóc và trị liệu, cải thiện chất lượng cuộc sống và hoà nhập xã hội cho trẻ bại não.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

  1. Hội hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận, tự quản, tự trang trải kinh phí và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
  2. Ban chấp hành Hội hoạt động trên cơ sở bàn bạc dân chủ, lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách và biểu quyết theo đa số.

Điều 4. Phạm vi hoạt động, địa vị pháp lý và trụ sở của Hội

  1. Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước, chịu sự quản lý của của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam.
  2. Hội có tư cách pháp nhân, có biểu tượng (logo), có con dấu và tài khoản tại ngân hàng theo quy định pháp luật.
  3. Hội có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội, khi cần thiết có thể lập các văn phòng đại diện tại các địa phương khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chức năng

  1. Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam là tổ chức tập hợp các gia đình có con bị bại não và những người quan tâm đến trẻ bại não, nhằm hỗ trợ các gia đình có trẻ bại não tự tin và bình đẳng, hỗ trợ trẻ bại não được phục hồi chức năng và hòa nhập xã hội.
  2. Đại diện cho các gia đình có trẻ bại não bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ bại não trong các lĩnh vực liên quan.
  3. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật và đề đạt, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới lĩnh vực hoạt động của Hội.
  4. Tập hợp ý kiến và nguyện vọng của các gia đình có trẻ bại não trong việc xây dựng chính sách pháp luật và các vấn đề khác có liên quan đến trẻ bại não.
  5. Điều hòa phối hợp hoạt động của các Chi hội ở địa phương.

Điều 6. Nhiệm vụ

  1. Tổ chức các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng bại não.
  2. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phục hồi chức năng, hòa nhập xã hội và hướng nghiệp cho trẻ bại não;
  3. Phối hợp với các tổ chức liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình nâng cao năng lực cho cha mẹ trẻ bại não trong các hoạt động chăm sóc và trị liệu;
  4. Vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nhằm hỗ trợ các nguồn lực về vật chất và tinh thần cho các gia đình có trẻ bại não;
  5. Tiếp nhận tài trợ trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật hiện hành;
  6. Thành lập các Chi hội trực thuộc Hội theo quy định của pháp luật;
  7. Thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc các lĩnh vực hoạt động của Hội.

Điều 7. Quy định về hội viên

  1. Hội viên của Hội là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tự nguyện đăng ký gia nhập Hội, bao gồm hội viên chính thức và hội viên tình nguyện.
    a) Hội viên chính thức là người mắc chứng bại não, cha mẹ, người thân trực tiếp chăm nuôi trẻ bại não.
    b) Hội viên tình nguyện là các tình nguyện viên có nguyện vọng tham gia vào các hoạt động của Hội vì mục đích tương trợ và giúp đỡ cộng đồng trẻ bại não.
  2. Hội viên có quyền
    a) Được cấp thẻ hội viên;
    b) Được thông tin về các hoạt động và tham gia các chương trình do Hội tổ chức;
    c) Được nhận sự hỗ trợ của Hội trong các chương trình theo quy định của Hội;
    d) Hội viên chính thức có quyền ứng cử, đề cử, được tham gia bầu cử vào Ban Chấp hành và các chức danh chủ chốt của Hội;
  3. Hội viên có nghĩa vụ
    a) Chấp hành đúng Điều lệ Hội, thực hiện đầy đủ các nghị quyết, qui chế, qui định của Ban Chấp hành Hội;
    b) Cam kết đóng đầy đủ hội phí;
    c) Thường xuyên tham gia các hoạt động Hội.

Điểu 8. Tổ chức Hội

Tổ chức của Hội gồm:

  1. Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội;
  2. Ban chấp hành Hội;
  3. Ban Kiểm tra;
  4. Văn phòng Hội và các ban chuyên môn;
  5. Các Chi hội tại địa phương;
  6. Các tổ chức khác trực thuộc Hội.

Điều 9. Đại hội đại biểu toàn quốc

  1. Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội, được tiến hành 5 năm một lần. Trường hợp đặc biệt có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số Ủy viên Ban Chấp hành hoặc có ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị, Hội có thể tiến hành đại hội bất thường.
  2. Đại hội có các nhiệm vụ:
    a) Thảo luận và thông qua các báo cáo về tổ chức, hoạt động và tài chính của Hội và phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tiếp theo;
    b) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội, đổi tên hoặc biểu tượng của Hội;
    c) Quyết định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình hoạt động và các vấn đề về tổ chức Hội trong nhiệm kỳ mới;
    d) Thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động Hội trong nhiệm kỳ mới;
    đ) Hiệp thương bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra nhiệm kỳ mới;
    e) Thông qua các nghị quyết của Đại hội;
    g) Quyết định các vấn đề khác phù hợp với tôn chỉ, mục đích, điều lệ Hội và quy định của pháp luật.

Điều 10. Ban Chấp hành Hội

  1. Ban Chấp hành Hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội giữa hai kỳ Đại hội, nhiệm kỳ 5 năm, họp định kỳ mỗi năm một lần.

Số lượng, hình thức bầu uỷ viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định. Danh sách bầu cử Ban Chấp hành Hội được tập hợp từ các hội viên tự ứng cử, từ sự giới thiệu của Đại hội.

  1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Hội
    a) Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội;
    b) Hàng năm ra nghị quyết và tổ chức thực hiện những công việc trọng tâm của Hội;
    c) Bầu ra Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Thư ký Hội
    d) Đại diện cho Hội và hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, tôn chỉ mục đích và nhiệm vụ của Hội.
    đ) Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của Hội và hội viên.

Điều 11. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội, Thư ký Hội

  1. Chủ tịch Hội là người đại diện pháp nhân, chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Hội, có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
    a) Tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội, quyết định của Ban Chấp hành Hội;
    b) Điều hành hoạt động của Ban chấp hành Hội;
    c) Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và toàn thể hội viên về các hoạt động của Hội.
  2. Phó Chủ tịch Hội được Chủ tịch Hội phân công phụ trách và chịu trách nhiệm về một số lĩnh vực hoạt động nhất định, thay mặt Chủ tịch Hội khi Chủ tịch Hội vắng mặt.
  3. Thư ký Hội là người giúp việc Chủ tịch, Ban chấp hành Hội điều hành công việc hàng ngày theo nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác và theo quy chế của Hội.
  4. Nhiệm kỳ của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành và đảm nhiệm không quá hai nhiệm kỳ.

Điều 12. Ban Kiểm tra

  1. Ban Kiểm tra do Đại hội bầu ra, gồm: Trưởng ban, Phó trưởng ban và các Ủy viên, họp 6 tháng một lần và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Hội.
  2. Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra:
    a) Giám sát, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, các nghị quyết của Đại hội và của Ban Chấp hành;
    b) Kiểm tra hoạt động tài chính và sử dụng tài sản của Hội theo quy định của pháp luật;
    c) Xem xét và giải quyết các khiếu nại và tố cáo trong nội bộ Hội.

Điều 13. Văn phòng và các ban chuyên môn

  1. Văn phòng Hội có Chánh văn phòng và các nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động do Thư ký Hội phụ trách.
  2. Chánh văn phòng điều hành các hoạt động của văn phòng theo quy chế do Ban chấp hành Hội phê duyệt.
  3. Hội có các ban chuyên môn do Ban chấp hành Hội thành lập hoặc giải thể.
  4. Quy chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các ban chuyên môn do Ban Chấp hành Hội xem xét, quyết định.

Điều 14. Các chi hội tại địa phương

  1. Các địa phương được thành lập Ban chấp hành chi hội, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chấp hành Hội và theo Điều lệ Hội;
  2. Ban Chấp hành chi hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của chi hội giữa hai kỳ Đại hội, nhiệm kỳ 5 năm, họp định kỳ mỗi năm một lần.

Số lượng, hình thức bầu uỷ viên Ban Chấp hành chi hội do Đại hội quyết định. Danh sách bầu cử Ban Chấp hành chi hội được tập hợp từ các hội viên tự ứng cử, từ sự giới thiệu của Đại hội.

  1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành chi hội
    a) Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết Đại hội đại biểu chi hội;
    b) Hàng năm ra nghị quyết và tổ chức thực hiện những công việc trọng tâm của chi hội;
    c) Bầu ra Chi hội trưởng, các Phó Chi hội trưởng và Thư ký chi hội
    d) Đại diện cho chi hội và hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, tôn chỉ mục đích và nhiệm vụ của chi hội tại địa phương.
    đ) Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của chi hội tại địa phương và hội viên.

Điều 15. Quy định về tài chính của Hội

  1. Nguồn thu của Hội gồm:
    a) Hội phí của các hội viên;
    b) Hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức kinh tế – xã hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
    c) Các hoạt động gây quỹ Hội hợp pháp theo quy định pháp luật;
    d) Hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành (nếu có);
    đ) Các khoản thu hợp pháp khác.
  1. Các khoản chi chủ yếu của Hội gồm:
    a) Chi tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội.
    b) Chi cho việc triển khai thực hiện các dự án, các chương trình của Hội.
    c) Trả lương, phí tài chính cho Văn phòng Hội
  2. Tài chính của Hội được thực hiện một cách công khai, minh bạch theo quy chế chi tiêu tài chính nội bộ của Hội và quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 16. Quy định về tài sản của Hội

  1. Tài sản của Hội gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ,… được Nhà nước hỗ trợ, giao theo quy định pháp luật hoặc được mua sắm từ nguồn tài chính của Hội do Hội quản lý, bảo quản, sử dụng hoặc giao cho các chi nhánh của Hội quản lý để phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội.
  2. Quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, kế toán của Hội được thực hiện theo quy chế tài chính, kế toán của Hội và quy định của pháp luật.

Điều 17. Điều khoản thi hành

  1. Điều lệ này gồm 17 Điều, đã được thông qua tại phiên họp Ban Chấp hành Hội ngày 15 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực kể từ ngày được Ban Thường vụ Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam ký quyết định công nhận.
  2. Tất cả các hội viên của Hội có trách nhiệm thực hiện Điều lệ này./.

TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH HỘI

 

Đinh Thị Lan Anh

PHP Code Snippets Powered By : XYZScripts.com
Gọi ngay