BẢN TIN CPFAV THÁNG 12/2021

Tháng 12/2021, CPFAV  tiếp tục những chương trình phục hồi chức năng cho trẻ bại não dựa vào cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ bại não, xây dựng cộng đồng trẻ bại não Việt Nam.

I.CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO TRẺ BẠI NÃO DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG

CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CHA MẸ TRONG CHĂM SÓC TRẺ CP

Với phương châm “Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con”, CPFAV đẩy mạnh các chương trình nâng cao năng lực cho cha mẹ. Do hạn chế vì dịch Covid, chương trình đã được chọn lọc và thay đổi nội dung, hình thức cho phù hợp.

Tối 27/12/2021, Chủ đề đầu tiên “Sự phát triển kỹ năng vận động tinh và hoạt động hỗ trợ” đã được diễn ra qua hình thức học trực tuyến.Giảng viên trực tiếp giảng dạy là Cô Trương Thanh Loan, 20 năm làm việc với trẻ đặc biệt, hiện là Chi hội trưởng – Hội Khoa học tâm lý giáo dục nghiên cứu và phát triển ngôn ngữ trẻ đặc biệt; Hiệu trưởng trường chuyên biệt Từng Bước Nhỏ tại TPHCM.

Sau buổi học đầu tiên, các phụ huynh đã nắm được kỹ năng vận động tinh là như thế nào, các kỹ năng vận động tinh trẻ cần phải rèn luyện và sự phát triển kỹ năng vận động tinh của trẻ từ 0 – 4 tuổi. Sau buổi học, ba mẹ đc thực hành đánh giá trên trẻ nhà mình và lập kế hoạch luyện tập trong các buổi tiếp theo.

Các chủ đề tiếp theo: Sự phát triển kỹ năng nhận thức và hoạt động hỗ trợ; Phát triển kỹ năng giao tiếp và Phát triển kỹ năng chơi dự kiến học trực tuyến qua Google Class trong tháng 1/2022 vào các sáng chủ nhật hàng tuần, từ 8h30-10h30

II.CÁC HOẠT ĐỘNG GÓP PHẦN CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO TRẺ BẠI NÃO

Nhằm giúp các gia đình có con là trẻ bại não (CP) đang gặp khó khăn được động viên và chia sẻ, trong tháng 12 năm 2021, các chi hội tại địa phương đã đại diện CPFAV trao bảo trợ quý IV cho 77 mã bảo trợ của năm 2021. Tổng giá trị trao mỗi phần bảo trợ trên một quý là 1.500.000 VND. Mỗi gia đình sẽ nhận được hiện vật phù hợp với nhu cầu của các con như bỉm, sữa, gạo,… tương đương 500,000VND/tháng và được các tình nguyện viên của CPFAV trao đến tận tay theo tháng (hoặc quý).

CPFAV xin trân trọng cảm ơn các tấm lòng nhân ái đã hàng tháng đều đặn chuyển bảo trợ, dù vẫn còn nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, để chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn nhất trong cộng đồng trẻ bại não trên mọi miền đất nước.

 

HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG CỦA MÁI ẤM GIA ĐÌNH SIÊU NHÂN

Mái ấm Gia đình Siêu nhân – mái nhà của trẻ bại não (CP), nơi các cha mẹ đưa con về viện Nhi khám chữa bệnh. CPFAV xin trân trọng và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tấm lòng nhân ái đã chung tay để mái ấm duy trì hoạt động. Toàn bộ số tiền ủng hộ: 20,242,000VND sẽ được mái ấm chi trả điện nước và sinh hoạt cho các gia đình về mái ấm.

 Thông tin về mái ấm: số 10, ngách 14, ngõ 54 Nguyễn Chí Thanh (hoặc đi lối sát cổng viện Nhi dốc Đê La Thành). QL Mái ấm: 0334986857 (chị Lan Bùi)

DỰ ÁN HỖ TRỢ SINH KẾ TRONG VÀ SAU DỊCH COVID TẠI HÀ NỘI

Đại dịch Covid 19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực xã hội trên phạm vi cả nước, trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Nhiều gia đình có trẻ bại não tại Hà Nội vừa phải gồng gánh lo việc làm trong và sau dịch, vừa lo chữa bệnh, tập luyện cho con. Để hỗ trợ các gia đình có được sinh kế việc làm, qua đó ổn định cuộc sống, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ bại não, vừa qua, với sự hỗ trợ của Quỹ Khởi Duyên, 6 hộ gia đình tại Hà Nội đã nhận được vốn vay mỗi hộ 10,000,000VND với mức lãi suất 0%

Ngày 30/11/2021, tại Văn phòng Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch CPFAV đã trao vốn và xác nhận hồ sơ vay vốn cho các gia đình.

Các hộ gia đình có trẻ CP được nhận hỗ trợ đợt này bao gồm:

  1. Chị Phan Thị Quỳnh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội): áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để xây dựng vườn thuốc nam và rau hữu cơ, nuôi cá
  2. Chị Đỗ Thị Thuyến (Đan Phượng, Hà Nội): chăn nuôi ngan, gà
  3. Anh Nguyễn Quang Sơn (Đống Đa, Hà Nội): kinh doanh dầu nhớt xe máy
  4. Chị Đỗ Thị Quỳnh Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội): kinh doanh đồ ăn vặt
  5. Chị Vũ Thị Oanh (tạm trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội): sử dụng vốn để bán hàng online: nhập hàng trà, bồ kết, khẩu trang,…
  6. Chị Nguyễn Vũ Thị Thủy (tạm trú tại Thanh Xuân, Hà Nội): kinh doanh bỉm

 

CPFAV đã lập hồ sơ theo dõi để đảm bảo nguồn vốn được hoàn trả theo tiến độ 12 tháng và sau đó quay vòng cho các gia đình có nhu cầu khác trong Hội. CPFAV trân trọng cảm ơn Quỹ Khởi Duyên và mọi người đã hỗ trợ cho Dự án Hỗ trợ sinh kế trong và sau dịch Covid 19. Đó là các chương trình phát triển bền vững mà CPFAV mong muốn xây dựng nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ bại não.

 

III. CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG TRẺ BẠI NÃO VIỆT NAM

VIỆC TỬ TẾ: MÁI ẤM CỦA TRẺ BẠI NÃO

Mái ấm Gia đình Siêu nhân được nêu gương Việc Tử tế trong phóng sự Việc Tử Tế phát trên kênh VTV1 ngày 27.12.2021

Là nơi tạm trú miễn phí cho trẻ bại não đến Hà Nội khám chữa bệnh, năm 2021, Mái ấm đã đón tiếp gần 100 lượt gia đình trẻ bại não.

Địa chỉ: số 10, ngõ 54/14 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Cũng trong dịp cuối năm, Mái ấm đã đón nhiều cá nhân, nhóm từ thiện đến thăm các con và trao quà, chia sẻ với các gia đình ở xa về mái ấm.

CÔNG BỐ SỐ LIỆU KHẢO SÁT THÀNH VIÊN HỘI GIA ĐÌNH TRẺ BẠI NÃO VIỆT NAM

Với tư duy phát triển bền vững luôn hướng tới việc đóng góp cho mục đích nghiên cứu và hoạch định chính sách, CPFAV đã thực hiện khảo sát thành viên và công bố các số liệu điều tra xã hội học trong cộng đồng. Đây là một bước tiến quan trọng trong xây dựng và phát triển Hội, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay chưa có dữ liệu quốc gia về trẻ bại não.

CPFAV sẵn sàng cung cấp số liệu và thông tin cho các công trình, đề tài nghiên cứu về trẻ bại não (CP) từ phía phụ huynh. Mọi trích dẫn xin vui lòng ghi rõ nguồn từ Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam.

HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÂU LẠC BỘ NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH SỐNG VỚI CP TẠI VIỆT NAM

Câu lạc bộ người trưởng thành sống với CP tại Việt Nam (Adults living with CP Club VN) được thành lập năm 2017, CP Club với số lượng 27 thành viên, là nơi tập hợp của những CP trưởng thành với mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ gắn kết, đưa tiếng nói của người CP đến với cộng đồng, hướng tới một xã hội bình đẳng, không rào cản đối với người CP.

Với mong muốn phát triển CP Club trở thành một tổ chức vững mạnh trong Vietnam Cerebral Palsy Network (Mạng lưới CP Việt Nam), góp phần xây dựng hệ sinh thái CP Vietnam, CPFAV đã trích Quỹ vận hành hỗ trợ 5,000,000đ cho CLB và tài trợ 4 giải thưởng cho cuộc thi ảnh “Chúng ta là Một trong thế giới Màu Xanh Lá” của các bạn CP trưởng thành. Hi vọng rằng, các bạn CP sẽ chung tay xây dựng CLB trở thành diễn đàn cho người CP trưởng thành tại Việt Nam.

CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 3/12/2021

Sáng ngày 2/12/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc qia, 37 Hùng Vương, Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) và Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Quốc tế NKT 3/12 và Diễn đàn Lắng nghe tiếng nói của NKT.

Dịp kỷ niệm ngày 3/12/2021, LHQ đã đưa ra chủ đề cho các hoạt động của ngày này trên toàn thế giới là “Thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của người khuyết tật, hướng tới một thế giới sau COVID-19 hòa nhập, dễ tiếp cận và bền vững”. Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12/2021 – Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật: “UNDP công nhận người khuyết tật là đối tác quan trọng trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam, chứ không chỉ là đối tượng thụ hưởng. Chúng tôi hỗ trợ mạnh mẽ người khuyết tật nhận ra tiềm năng đầy đủ của họ để đóng góp hiệu quả vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước.”

TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT HƯỚNG TỚI HÒA NHẬP, TIẾP CẬN VÀ BỀN VỮNG THÍCH ỨNG VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19

Sáng ngày 3/12/2021, gần 200 đại biểu đã tham dự Hội thảo trực tuyến “Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật hướng tới hòa nhập, tiếp cận và bền vững thích ứng với đại dịch Covid-19” thông qua nền tảng trực tuyến và livestream của fanpage ACDC và UNDP. Hội thảo do VFD, ACDC và UNDP phối hợp tổ chức dưới sự tài trợ của USAID Việt Nam và Tổ chức CBM.

Trong bài phát biểu chào mừng, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) đã chia sẻ: “Hỗ trợ quyền của người khuyết tật và các tổ chức của người khuyết tật tại địa phương là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của chúng tôi. Các chương trình mới nhất của USAID đặt tính hòa nhập lên hàng đầu. “Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho người khuyết tật II, “Hãy nắm tay tôi II” và “Hòa nhập” là các dự án tạo cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn và thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của người khuyết tật vào các hoạt động phục hồi chức năng và dịch vụ xã hội, cũng như thực hiện chính sách về người khuyết tật trong thực tế.”

Tại hội thảo, các bên liên quan cùng ngồi lại, chia sẻ về những thách thức và giải pháp hướng tới hòa nhập khuyết tật, trong bối cảnh thích ứng trong và sau đại dịch Covid-19. Đồng thời các bên cũng thảo luận về sự tham gia của người khuyết tật và vai trò giám sát của Hội người khuyết tật trong các giải pháp được hướng tới.

Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam đã có 2 thành viên tham gia thảo luận, đóng góp tiếng nói cũng như khẳng định vai trò của các tổ chức của và vì người khuyết tật.

PHP Code Snippets Powered By : XYZScripts.com
Gọi ngay