1. CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG CHO TRẺ BẠI NÃO
TẬP HUẤN SƠ CẤP CỨU CƠ BẢN KHI CHĂM SÓC TRẺ BẠI NÃO
Ngày 2/4/2023, tại Văn phòng Hội – số 1074 Đê La Thành, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội, với sự đồng hành của Quỹ Bảo trợ trẻ em bại não GoGreen4CP, CPFAV đã tổ chức thành công buổi tập huấn “Sơ cấp cứu cơ bản khi chăm sóc trẻ bại não” dành cho các cha mẹ.
Chỉ gần 3 giờ đồng hồ ngắn ngủi, nhưng các cha mẹ đã được phổ biến các kiến thức về sơ cấp cứu cơ bản cho trẻ bại não trong các tình huống:
- Trẻ sốt cao, co giật
- Trẻ bị đuối nước
- Trẻ bị bỏng do nước sôi hay các tác nhân khác.
- Trẻ có vết thương chảy máu
- Trẻ bị nghẽn đường thở
- Trẻ có dị vật ở mắt, mũi, tai
- Trẻ có vết thương do côn trùng đốt, vết thương do động vật cắn, sinh vật biển cắn
- Sơ cứu khi trẻ ngã.
Cô Nguyễn Thanh Ngà – Cử nhân Y tế công cộng chia sẻ kiến thức sơ cấp cứu
với các gia đình có trẻ bại não
Những kiến thức sơ cứu tưởng như phức tạp đã được cô Nguyễn Thanh Ngà – Cử nhân Y tế công cộng chia sẻ một cách gần gũi, dễ hiểu, với các vật dụng hay phương thuốc sơ cứu đơn giản, dễ kiếm tại gia đình đã giúp các cha mẹ dễ dàng thực hành theo sau buổi học. Bên cạnh đó, lớp học cũng đề cập đến việc chăm sóc trẻ CP sao cho đúng cách, nhất là vào thời điểm giao mùa.
CPFAV hi vọng rằng, sau buổi học Sơ cứu cơ bản này, các cha mẹ sẽ có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để tự tin xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình chăm sóc và đồng hành với con em của mình.
KHÁM SÀNG LỌC MIỄN PHÍ CHO 30 TRẺ BẠI NÃO TẠI ĐẮK LẮK
Ngày 15/4/2023, được sự giúp đỡ và kết nối của Hội Từ Tâm Đắk Lắk, Quỹ Nâng Bước Tuổi Thơ, Bệnh viện Nhi Đức Tâm và nhiều tổ chức và cá nhân khác, 30 trẻ bại não của Chi Hội Đắk Lắk đã được khám trong chương trình “Kết nối yêu thương – Khám sàng lọc và điều trị miễn phí cho trẻ em nghèo” tổ chức tại Bệnh viện Nhi Đức Tâm, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Các con được các bác sỹ khám, tư vấn tỉ mỉ về 8 mặt bệnh liên quan đến Mắt, Hàm mặt, Thần kinh, Mạch máu, Tim mạch, Tiêu hóa, Tiết niệu và các trường hợp đặc biệt khác, được chăm sóc chu đáo từng chai nước, miếng bánh. Bên cạnh đó, các gia đình tham gia còn nhận được sữa và hỗ trợ đi lại từ chương trình.
Các trẻ tham gia khám sàng lọc nhận sữa và hỗ trợ đi lại từ chương trình
Buổi khám sàng lọc là một món quà tinh thần to lớn hướng tới kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam, là sự quan tâm của mọi người đến cộng đồng trẻ bại não tỉnh Đắk Lắk để các em cùng bố mẹ không bị bỏ lại phía sau trong hành trình dài khắc phục những tổn thương và khiếm khuyết.
THOÁT KHỎI SÀN NHÀ TRAO XE LĂN ĐẾN TRẺ BẠI NÃO
THANH HÓA VÀ HOÀ BÌNH
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam, ngày 18/4/2023 đã diễn ra buổi trao tặng xe lăn cho trẻ bại não thuộc chi hội Thanh Hóa và Hòa Bình. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Thoát khỏi sàn nhà” – khám đánh giá và hỗ trợ dụng cụ cho trẻ bại não có hoàn cảnh khó khăn, được CPFAV triển khai từ năm 2018. Từ tháng 5/2022, chương trình có sự đồng hành của Quỹ Bảo trợ trẻ em bại não GoGreen4CP.
Tham dự chương trình có ông Trịnh Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa; chị Helen, anh Phong Dương và những người bạn – đại diện nhà tài trợ xe lăn; anh Trần Thành Trung – Người gieo duyên, kết nối nhà tài trợ và Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam; chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch CPFAV và chị Nguyễn Lan Anh – phụ trách chương trình Thoát khỏi sàn nhà; đại diện công ty Fuwa Biotech – đơn vị đồng hành cùng chi hội Thanh Hoá; chị Nguyễn Thủy – KTV khoa Phục hồi chức năng Nhi Thanh Hóa. Bên cạnh đó, buổi trao tặng còn có sự tham gia của CLB Thiện nguyện Thanh Hóa, công ty Đại Dương Xanh (Như Thanh – Thanh Hóa), Trung tâm giáo dục đặc biệt Tâm Sáng (TP Thanh Hóa), trung tâm PHCN True Happiness, trung tâm phục hồi răng giả Minh Long Dental, cùng các gia đình trẻ bại não thuộc chi Hội Thanh Hoá và Hoà Bình.
Mở đầu chương trình, chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch CPFAV đã giới thiệu vài nét tổng quan về Hội và chương trình Thoát khỏi sàn nhà. Chị cũng đại diện CPFAV và các gia đình gửi lời cảm ơn đến các nhà tài trợ và đơn vị đồng hành.
Chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch CPFAV phát biểu cảm ơn nhà tài trợ
Về dự và phát biểu tại buổi trao tặng, ông Trịnh Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hoá đã chia sẻ, động viên, thể hiện sự quan tâm của Hội đối với các gia đình có trẻ bại não trên địa bàn tỉnh.
Ông Trịnh Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hoá chia sẻ,
động viên các gia đình có trẻ bại não trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ cùng với các gia đình và đơn vị đồng hành tại chương trình, đại diện nhà tài trợ – chị Helen và anh Phong Dương bày tỏ niềm vui được thực hiện tâm nguyện giúp đỡ những em bé không may mắn mắc chứng bại não, được đóng góp một phần nhỏ bé cho quê hương – Điều mà những người con xa xứ như anh chị và những người bạn luôn trăn trở, khiến mọi người tham dự chương trình đều xúc động.
Trong bầu không khí ấm áp yêu thương ấy, 30 chiếc xe lăn đã được trao đến tận tay các trẻ bại não có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình. Mỗi gia đình đều được cô Nguyễn Thủy – KTV khoa PHCN Nhi Thanh Hoá hướng dẫn cụ thể cách sử dụng xe lăn, đảm bảo dụng cụ phát huy hết công năng, hỗ trợ hiệu quả cho các con.
KTV Nguyễn Thuỷ – Khoa PHCN Bệnh viện Nhi Thanh Hoá hướng dẫn các gia đình
Ngoài ra, các gia đình tham dự buổi trao tặng còn nhận được một phần quà nhỏ đến từ công ty Fuwa Biotech – Đơn vị có truyền thống trong thực hiện trách nhiệm xã hội đã đồng hành cùng CPFAV Thanh Hoá trong hầu hết các hoạt động thiện nguyện.
Đại diện công ty Fuwa Biotech trao quà cho các gia đình tham gia chương trình
Những chiếc xe lăn được trao đi đúng dịp kỷ niệm 25 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam sẽ trở thành “đôi chân” để trẻ bại não có thể di chuyển thuận lợi, dễ dàng, có cơ hội được ra ngoài cảm nhận cuộc sống, đồng thời giảm bớt khó khăn cho cha mẹ trong quá trình chăm sóc con hàng ngày, là món quà ý nghĩa đối với các em và gia đình.
CHƯƠNG TRÌNH KHÁM THIỆN NGUYỆN CHO TRẺ BẠI NÃO TỈNH NAM ĐỊNH
Sáng ngày 22/04/2023, chương trình khám thiện nguyện cho trẻ bại não của Chi Hội Gia đình trẻ bại não tỉnh Nam Định (trực thuộc Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam) diễn ra tại Trung tâm y tế TP Nam Định.
Chương trình với sự tham gia khám của các bác sĩ thuộc “Hội thiện nguyện bác sĩ Trung tâm Y tế thành phố Nam Định”. 32 trẻ bại não đã được thăm khám các bệnh lý về răng hàm mặt, tai mũi họng, tư vẫn dinh dưỡng và phục hồi chức năng. Trẻ bại não thường mắc nhiều bệnh lý đi kèm khác đặc biệt là hô hấp, dinh dưỡng, răng hàm mặt. Ngoài việc tư vấn về vệ sinh răng miệng, chế độ ăn, phương pháp tập luyện để phần nào phục hồi tổn thương não, các con còn được điều trị những vấn đề về răng hàm mặt đang mắc phải.
32 trẻ được thăm khám các bệnh lý về răng hàm mặt, tai mũi họng, tư vẫn dinh dưỡng
và phục hồi chức năng.
Ngoài được khám bệnh miễn phí, trẻ được tập thể các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế TP Định ân cần hỏi han về hoàn cảnh gia đình và gửi tặng các con những phần quà ý nghĩa.
Bên cạnh đó, đại diện Quỹ Từ Thiện Bảo Phong thuộc Công ty đấu giá hợp danh Bảo Phong – Số 167 An Trạch – Đống Đa – Hà Nội, đã đến thăm hỏi và trao quà động viên tất cả các cháu tham gia chương trình.
Các gia đình tham gia buổi khám được Quỹ Từ Thiện Bảo Phong trao gửi những phần quà ý nghĩa
Với sự chung tay góp sức của mọi người, chương trình đã thành công tốt đẹp. Các đình tham gia đều rất phấn khởi khi các con không chỉ được khám bệnh, mà được giao lưu, được quan tâm – đó chính là mong muốn lớn nhất của các gia đình có trẻ bại não tại đây.
Link truyền thông sự kiện:
http://donghanhviet.vn/news/6056/377/Nam-dinh-to-chuc-kham-va-tu-van-dinh-duong-phuc-hoi-chuc-nang-cho-tre-bai-nao/d,news_detail_tpl
2. CÁC HOẠT ĐỘNG CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO TRẺ BẠI NÃO
CHƯƠNG TRÌNH BẢO TRỢ GIA ĐÌNH SIÊU NHÂN
Nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với các gia đình trẻ bại não có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) đã thực hiện Chương trình Bảo trợ Gia đình Siêu nhân. Mỗi gia đình sẽ nhận được dụng cụ phục hồi chức năng, bỉm, sữa, gạo,… tương đương 500,000VND/tháng và sẽ được các tình nguyện viên của CPFAV trao đến tận tay theo tháng (hoặc quý). Năm 2023, CPFAV phát động bảo trợ cho hơn 200 gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội.
Trao bảo trợ BTSN 97
Trao bảo trợ BTSN 180
Tính đến tháng 4/2023, có 92 gia đình đã được nhận bảo trợ từ các Nhà bảo trợ với tấm lòng nhân ái. CPFAV đã thực hiện trao quà đến các gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội được đề xuất bảo trợ. Các Chi hội trưởng đã nhiệt tình không quản đường xá xa xôi để trao quà đến tận tay các con. Quà tặng bao gồm bỉm, sữa và các nhu yếu phẩm thiết yếu đã phần nào hỗ trợ các gia đình, đồng thời gửi gắm những tình cảm, sự yêu thương, sẻ chia của mọi người đối với hoàn cảnh của các em.
TRAO QUÀ ĐẾN CÁC GIA ĐÌNH TRONG XÓM TRỌ VIỆN NHI
Ngày 3/4/2023, tại Văn phòng Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam – số 1074 La Thành, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra buổi gặp gỡ và trao quà cho các gia đình ở Xóm trọ viện Nhi.
Xóm trọ viện Nhi nằm sâu trong những con ngõ hun hút, tối tăm, tồi tàn là nơi ở của các gia đình có trẻ bại não đã bám trụ lâu năm tại cổng viện, mưu sinh cho con đi tập phục hồi chức năng. Hầu hết các gia đình đều ở tỉnh xa, thuộc diện khó khăn, thu nhập chủ yếu dành cho việc điều trị của con nơi bệnh viện. Để tiết kiệm tối đa chi phí, các mẹ thuê trọ trong những căn nhà ẩm thấp, chật chội. Tuy nhiên, giá cho thuê cũng lên đến 80 ngàn đồng mỗi ngày, con số tưởng chừng nhỏ nhưng đối với các gia đình nơi đây lại là một vấn đề
Trao quà cho các gia đình trong xóm trọ viện Nhi
Với mong muốn sẻ chia, hỗ trợ các gia đình trong hoàn cảnh khó khăn, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam đã trao tặng 12 suất quà cho các gia đình tại Xóm trọ viện Nhi và nhận về thật nhiều niềm vui, nụ cười từ các gia đình. Mỗi phần quà bao gồm nhu yếu phẩm như nước mắm, gạo, miến, sữa, dầu ăn,… phục vụ đời sống thường ngày và 1,000,000 đồng tiền mặt, là sự chung tay ủng hộ của các tấm lòng nhân ái trên khắp cả nước, mong các cha mẹ vơi bớt đi những vất vả, lo toan để tập trung điều trị, đồng hành cùng con. Buổi gặp mặt cũng là dịp để các mẹ được tìm hiểu nhiều hơn về Hội và Mái ấm Gia đình siêu nhân và là cơ hội để CPFAV lắng nghe tâm tư, trăn trở, những khó khăn của các gia đình để có phương hướng hoạt động, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho các cha mẹ trong tương lai.
CHI HỘI HẢI PHÒNG THĂM VÀ TRAO QUÀ CHO CÁC GIA ĐÌNH KHÓ KHĂN
Một trong những tiêu chí quan trọng trong hoạt động thiện nguyện của Hội gia đình trẻ bại não Việt Nam và chi hội Hải Phòng là mong muốn kết nối được các gia đình có trẻ bại não khó khăn, yếu thế nhất trong xã hội đến được gần hơn với những dự án thiện nguyện của các cá nhân, các tổ chức trong cộng đồng, nhằm giúp đỡ các gia đình cố gắng vượt qua khó khăn để dần cải thiện chất lượng cuộc sống
Vừa qua, chi Hội Hải Phòng đã cùng với các thành viên của Nhóm Từ Bi Hạnh và lớp CEO 15 HPM đến thăm hỏi và trao quà cho 2 gia đình khó khăn ở Hải Phòng:
- Gia đình chị Nguyễn Thu Huyền – Số 1/268 Lê Lai có con là Đỗ Bảo An (sinh năm 2017) bị bại não, động kinh, vận động và nhận thức gần như không có. Bản thân chị Huyền là mẹ đơn thân, hai mẹ con đang sống cùng ông bà ngoại.
Thăm gia đình em Đỗ Bảo An (Lê Lai – Hải Phòng)
- Gia đình chị Phạm Thị Hồng, địa chỉ ở 30 Phạm Bá Trực, có con là Đào Thị Minh An (sinh năm 1993) bị bại não co cứng toàn thân. Hai vợ chồng chị Hồng công việc không ổn định, chị làm công việc quét dọn ở nhà hàng còn chồng chị làm xe ôm.
Thăm gia đình em Đào Thị Minh An (Phạm Bá Trực – Hải Phòng)
Những phần quà giản dị nhưng là sự quan tâm và động viên tinh thần to lớn, mong muốn các gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
3. CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG TRẺ BẠI NÃO
CPFAV THAM GIA NGÀY HỘI THỂ THAO THÂN THIỆN DÀNH CHO
TRẺ KHUYẾT TẬT TRÍ TUỆ VÀ KHUYẾT TẬT PHÁT TRIỂN
Ngày 1-2/04/2023, tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Thừa Thiên- Huế diễn ra sự kiên “NGÀY HỘI THỂ THAO THÂN THIỆN CHO TRẺ KHUYẾT TẬT TRÍ TUỆ VÀ KHUYẾT TẬT PHÁT TRIỂN”.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam (Dự án Hòa nhập). Ngày hội do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cùng Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN), Hội gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) và nhóm câu lạc bộ gia đình trẻ có hội chứng Down tổ chức. Mục tiêu sự kiện là tạo sân chơi an toàn, vui vẻ cho trẻ, kết nối mạng lưới các gia đình để hỗ trợ nhau, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực khuyết tật, hướng đến thúc đẩy hòa nhập xã hội.
Đoàn CPFAV có 15 vận động viên thuộc Chi hội Gia đình trẻ bại não Quảng Trị, Huế, Quảng Nam tham dự 2 môn thi: đi bộ và đẩy xe lăn. Các em được trải nghiệm, được thi đấu hết mình trong sự cổ vũ nhiệt tình của phụ huynh, tình nguyện viên và những người chăm sóc. Mỗi em đều có cho mình một tấm huy chương sau khi hoàn thành nội dung thi.
Ở môn đi bộ- môn thi chung, các bé CP được tham gia cùng vận động viên ở các tổ chức khác. Điều đặc biệt đối với các vận động viên thuộc đoàn CPFAV là vào sân thi đấu không chỉ có trẻ CP mà còn có cả các cha mẹ cùng hỗ trợ đẩy xe lăn, đỡ con đi bộ….
Đoàn CPFAV tham gia môn đi bộ
Dù thời gian gặp gỡ, giao lưu không nhiều nhưng thực sự đáng quý đối với các trẻ CP nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung. Đây là cơ hội để các em được ra ngoài hòa nhập, được vui chơi, tham gia các hoạt động thể thao như bao trẻ em khác. Thông qua chương trình, CPFAV có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn, thấu hiểu và sẻ chia nhiều hơn với các gia đình trẻ bại não khu vực Quảng Trị, Huế, Quảng Nam.
Thông qua sự kiện này, CPFAV cùng các tổ chức mong muốn lan tỏa ý nghĩa rộng rãi để các em nhỏ đều có cơ hội được yêu thương và hòa nhập, sống trong một thế giới đa sắc, bình đẳng.
TOẠ ĐÀM
“GIẢI ĐÁP CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI KHUYẾT TẬT”
Hướng đến kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4, dưới chỉ đạo của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, sáng ngày 10/4/2023, tại số 66 đường 19/5 – Phường Văn Quán – Quận Hà Đông, Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm “GIẢI ĐÁP CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI KHUYẾT TẬT” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Sự kiện do Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em bại não GoGreen4CP phối hợp với Viện Khoa học và Bổ trợ pháp lý – cơ quan trực thuộc Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, tổ chức, nhằm giao lưu, phổ biến, giải đáp kiến thức pháp luật cho cha mẹ trẻ bại não, tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của trẻ bại não nói riêng và người khuyết tật nói chung.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; ông Bùi Phan Anh – Chủ tịch hội đồng quản lý, Viện trưởng Viện Khoa học và Bổ trợ pháp lý; ông Nguyễn Hoài An – Thành viên Ban cố vấn Viện Khoa học và Bổ trợ pháp lý; bà Lâm Thị Mai Anh – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học và Bổ trợ pháp lý; bà Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc công ty TNHH Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cùng đông đảo phụ huynh là thành viên của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam.
Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam
phát biểu tại Tọa đàm
Tọa đàm đã chia sẻ, giải đáp thắc mắc của cha mẹ trong các vấn đề về:
- Quy định ưu tiên đối với trẻ khuyết tật có giấy chứng nhận khuyết tật.
- Chính sách đối với trẻ khuyết tật đến tuổi nhập học có giấy chứng nhận khuyết tật.
- Chính sách đối với giáo viên giảng dạy trẻ khuyết tật.
- Các quy định, quyền lợi của người khuyết tật trong chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh
- Một số quy định ưu tiên khi trẻ tham gia các phương tiện, địa điểm công cộng.
Tất cả mọi câu hỏi của cha mẹ đều được các chuyên gia tại tọa đàm giải đáp cụ thể, tận tình giúp các cha mẹ có thêm hiểu biết pháp luật để tự tin cùng con hòa nhập xã hội.
Bà Lâm Thị Mai Anh – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học-
Viện Khoa học và Bổ trợ pháp lý giải đáp thắc mắc của các gia đình
Bên cạnh đó, Viện Khoa học và bổ trợ pháp lý cũng thay mặt các nhà tài trợ gửi tặng 20 phần quà đến các gia đình tham dự tọa đàm trực tiếp.
Viện Khoa học và bổ trợ pháp lý tặng quà đến các gia đình tham dự tọa đàm trực tiếp
Buổi tọa đàm thành công tốt đẹp không chỉ cung cấp kiến thức pháp luật cho cha mẹ mà còn mở ra sự hợp tác lâu dài của CPFAV và Viện Khoa học và bổ trợ pháp lý nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các gia đình có trẻ bại não trong cộng đồng.
Link truyền thông sự kiện: http://donghanhviet.vn/…/Toa-dam-Giai-dap-chinh-sach-va..
LỄ KỶ NIỆM NGÀY NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM 18/4
VÀ TRAO KỶ NIỆM CHƯƠNG VÌ NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM
Ngày 12/04/2023, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) tổ chức sự kiện kỷ niệm “Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 và trao Kỷ niệm chương vì người khuyết tật Việt Nam cho những cá nhân có đóng góp tích cực cho hạnh phúc của người khuyết tật.
Chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch CPFAV vinh dự là một trong những cá nhân được nhận kỷ niệm chương lần này. Đây là món quà tinh thần có ý nghĩa hết sức to lớn, là sự ghi nhận cho những nỗ lực không mệt mỏi của cá nhân chị Lan Anh và Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam cho cộng đồng cha mẹ trẻ bại não, trẻ bại não và người bại não trưởng thành trong suốt 6 năm qua.
Chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch CPFAV nhận kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc của người khuyết tật”
Sự kiện có sự tham dự trực tiếp của NGND. TS. Đặng Huỳnh Mai, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD); Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực VFD; Bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Hiền Phương, Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội; Bà Lê Hà Vân, Trưởng nhóm Phát triển xã hội, Phòng Hàn gắn và Phát triển Hòa nhập, cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ tại Việt Nam; Bà Lê Thị Thúy Hương, Cán bộ Quản lý dự án, Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC; Bà Vũ Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện tổ chức CBM Việt Nam; Bà Lê Thị Nhật, Cán bộ Quản lý dự án, Ủy ban Quốc tế CTĐ tại Việt Nam cùng rất nhiều cá nhân trực thuộc VFD và các tổ chức của và vì người khuyết tật trên toàn quốc.
Chia sẻ về ý nghĩa chủ đề năm nay, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, cho biết: “Mặc dù những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số mang đến những cơ hội to lớn để giải quyết các thách thức về phát triển và nhân đạo, đồng thời đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình nghị sự 2030 nhưng nó cũng có nguy cơ củng cố các hình thức phân biệt đối xử và bất bình đẳng đang tồn tại dai dẳng. Sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng ngày càng trở nên rõ ràng trong bối cảnh đổi mới kỹ thuật số và công nghệ, trong đó có người khuyết tật bị bỏ lại phía sau do sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực kỹ thuật số. Do đó, nhu cầu về công nghệ toàn diện và biến đổi cũng như giáo dục kỹ thuật số là rất quan trọng cho một tương lai bền vững. Chính vì vậy, chủ đề năm nay “Chuyển đổi số: Đổi mới và công nghệ dành cho mọi người” cũng là cơ hội để chúng ta nhìn rõ những thách thức mà người khuyết tật phải đối mặt và nhận thức được sự cần thiết của việc tìm ra các giải pháp.”