Nguyễn Đức Thuận, 19 tuổi, sinh viên năm nhất khoa Công nghệ thông tin, Đại học quốc gia Hà Nội, tuy mắc chứng bại não từ bé nhưng chàng trai này đã chứng minh rằng chỉ cần có niềm tin và ý chí nỗ lực hết mình, không gì là không thể!
Những khó khăn đầu tiên…
Chị Đỗ Thị Hoài San (Quế Võ, Bắc Ninh), mẹ của Thuận, sinh Thuận trong một ca sinh khó, kéo dài suốt 4,5 tiếng. Khi tỉnh lại, người mẹ vội giở tã cuốn con ra thì thấy bàn tay của con quặp xuống, tím đen bất thường. Suốt hai ngày sau, con không chịu khóc. Chị San bèn gọi bác sĩ tới. Nhưng khi đã khóc được rồi, Thuận lại khóc to suốt cả đêm.
Ròng rã 4 tháng đưa con đi khắp các viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương, chị San như gục ngã khi nghe bác sĩ kết luận, con mắc bệnh bại não thể co cứng.
Thuận và mẹ – chị Đỗ Thị Hoài San
Thời đi học
Con lên 4 tuổi, bắt đầu biết nói, nhưng ngọng nghịu và chỉ có mẹ mới hiểu được, chị San vẫn quyết tâm phải cho con được đi học.
Chỉ có điều, khi con đi học, mẹ cũng phải đến trường. Lúc nào, mẹ cũng ngồi sát bên Thuận, tay đỡ đằng sau con, bởi chỉ cần cô giáo nói to một chút, Thuận cũng có thể sẽ giật mình mà ngã ngửa ra đằng sau.
Mặc dù đi học khó khăn, nhưng Thuận lại được thầy cô đánh giá có nhận thức tốt hơn hẳn so với các bạn trong lớp.
Thậm chí, chị San nhớ lại, từ khi lên 4, Thuận đã có thể đọc hết dãy số điện thoại dài 10 – 11 chữ số dù mới chỉ được nghe một vài lần. Đến khi đi học mẫu giáo, Thuận đã biết cộng, trừ và nhớ hết mặt chữ dù không được ai dạy cho.
Năm lên 6 tuổi, tay cậu bé vẫn yếu không cầm được bút, cơ thể chẳng khác gì tàu lá, chỉ cần một bạn nói to là ngã dúi dụi. Ông Quỳnh đóng một bộ bàn ghế giống chiếc ghế ăn dặm để con đi học. Mẹ Thuận, bà Hoài San phải nghỉ làm để ngồi bên vừa giữ, vừa cầm tay cho con tập viết.
“Bạn khác viết được một dòng thì Thuận mới viết được một chữ. Song môn Toán Thuận thông minh đến mức ngay cả học sinh lớp 5 cũng không so được”, cô Trịnh Thị Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, chia sẻ.
Càng lên lớp, tay Thuận càng cứng, khó viết hơn. Trong khi cậu vẫn đang phải vật lộn với những khó khăn của mình thì đã dồn dập những trở ngại mới khác. Ở trường, cậu thường xuyên trở thành đối tượng bị bắt nạt. Không ít lần, đám con trai rủ nhau đứng xếp hàng, ép cậu chui qua háng mới cho đi. “Năm lớp 3 tôi từng phải chui vào một khe tủ rộng chưa tới 50 cm, ngồi co ro 15 phút để trốn một bạn bắt nạt cho tới khi cô giáo vào lớp”, Thuận kể.
Tranh thủ những lúc con tới trường, chị San lại đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Chồng chị vốn là bộ đội xa nhà. Hàng tháng, hai vợ chồng thường gom góp, dành tiền cho con chữa bệnh. Dồn hết tiền vào việc mua thuốc, nên anh vẫn thường bị mọi người trong cơ quan trêu: “Sỹ quan nghèo nhất tỉnh Bắc Ninh”.
Những trò bắt nạt, bạo hành vẫn kéo dài cho đến những năm cấp 3 khiến Thuận thu mình hơn. Bù lại, cậu tìm ra đam mê từ khi được bố mua cho một chiếc máy tính. Từ chỗ mày mò chơi vài trò game, cậu tìm đến các trang giải Toán trên mạng rồi ham mê, có một dạo lập tới 6 tài khoản để được làm toán.
Một ngày cuối lớp 5, cậu học sinh lớp thường biết nhà trường đang tuyển học sinh lớp chọn để tham dự Cuộc thi giải toán trên mạng Violympic. Thuận không phải lớp chọn nên nhờ bạn cõng lên xin Ban giám hiệu. Đề nghị của cậu học trò khuyết tật khiến các thầy cô sửng sốt. Mọi người còn bất ngờ hơn khi nhận kết quả Thuận là học sinh duy nhất của trường đạt giải ba Toán cấp huyện năm đó.
Đưa con về nhà, đêm nào con cũng ngằn ngặt khóc, người mềm như cọng bún. Nhìn con, chị San cũng ứa nước mắt theo. “Những giấc ngủ có lẽ chỉ tính bằng giây, chứ không phải bằng phút, bằng giờ”, chị San nhớ lại.
3 năm sau đó, Thuận vẫn dẻo như cái lạt, đầu nghẹo xuống, không thể lẫy. Người mẹ không bế được thì chỉ có thể vác con lên vai suốt cả đêm.
Thuận cùng các bạn học
Những thành công đáng ngưỡng mộ đến từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ
Một trong những lần người cha “phục” con nhất là đã đứng dậy sau thất bại trượt trường chuyên năm lớp 10. Ngày hôm trước con còn bỏ cơm, nửa đêm vẫn dấm dứt khóc. Hôm sau, cậu lại bật máy, tiếp tục mục tiêu có giải quốc gia để được tuyển thẳng vào đại học.
Để giành được giải trong kỳ thi này, Thuận cần “cày” thêm nhiều bài tập để tăng khả năng tư duy. Trung bình mỗi ngày cậu làm từ 10 đến 30 bài, thời gian ngồi trên máy lên đến 14 tiếng. Song song tự học, cậu kết nối với các thầy giỏi và những đàn anh, đàn chị đi trước ở trong và ngoài nước nhờ kèm cặp thêm cho mình.
“Em đã vỡ òa khi được thầy cô báo đạt giải Ba. Bất ngờ hơn, nhờ thành tích này em được đặc cách đón lên trường chuyên Bắc Ninh”, cậu kể.
Không ngủ quên trên chiến thắng, năm học cuối cấp, Nguyễn Đức Thuận tiếp tục giành giải Nhất kỳ thi Tin học trẻ quốc gia 2020, giải nhì Học sinh giỏi quốc gia 2021 và là một trong 15 người ưu tú nhất được chọn từ 500 học sinh trên cả nước để đại diện cho Việt Nam dự thi Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương (APIO).
Đặc biệt hơn, sân khấu khai mạc Olympic Tin học miền Trung – Tây Nguyên diễn ra hồi cuối tháng 3 vừa qua bỗng nhiên xôn xao khi một chàng trai ngồi xe lăn được giới thiệu là thành viên ra đề thi. Kỳ thi Tin học khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm nay, Nguyễn Đức Thuận được mời ra đề cùng với thầy giáo của mình. “Khoảnh khắc đó em rất tự hào. Đây là cột mốc chính thức đánh dấu em bắt đầu sự nghiệp “, Thuận chia sẻ. Thời điểm này năm ngoái, cậu mới là một thí sinh.
Nguyễn Đức Thuận và anh Phạm Văn Hạnh, người từng đạt Huy chương vàng Olympic Tin học quốc tế 2015, trong chuyến vào Đà Nẵng làm đề cho kỳ thi Olympic Tin học miền Trung – Tây Nguyên, cuối tháng 3.
Hiện tại, bên cạnh việc học để trở thành một lập trình viên tương lai, Nguyễn Đức Thuận tham gia giảng dạy Tin học cho học sinh ở các tỉnh thành, với mục tiêu “trao đi nhiều hơn những gì em đã nhận lại”.
Những nỗ lực của mẹ con Thuận đã tạo động lực và truyền cảm hứng tới những gia đình siêu nhân có con mắc chứng liệt não. Tấm gương ấy là đại diện cho sức mạnh của sự nỗ lực bản thân, sự yêu thương, sự đồng hành cùng con của cha mẹ. Các gia đình siêu nhân sẽ luôn lấy hình ảnh em Thuận và gia đình em để noi theo.
Nguồn: