LÊ ANH TUẤN – “LẬP TRÌNH” MỘT CUỘC ĐỜI HẠNH PHÚC

Là một người sống chung với chứng bại não (CP), Lê Anh Tuấn đã tự khẳng định được bản thân, từng bước nỗ lực “lập trình” cuộc đời mình để có được thành công và hạnh phúc. Anh đã góp vào chiếc lá xanh biếc trong Thế giới Màu Xanh Lá đầy tình yêu và hi vọng!

Khởi đầu

Lê Anh Tuấn sinh ngày 17/02/1983 tại Hà Nội, anh sinh ra là con thứ 2 trong một gia đình có 2 chị em đều mắc chứng bại não (CP). Mẹ là nhà giáo, hiệu trưởng 1 trường mầm non ở Hà Nội. Bố là công nhân làm về gỗ, ông tự tay làm xà kép cho con tập đi. Cậu bé Anh Tuấn không may bị đẻ ngạt trắng khi mới lọt lòng. Mới đầu ngỡ như không vấn đề gì, vì cậu bé rất khôi ngô và còn bập bẹ nói rất sớm khi mới chỉ 9 tháng tuổi. Nhưng các vận động như ngồi, bò, đứng, đi gặp khá nhiều khó khăn. Mãi đến năm 3 tuổi gia đình đưa Anh Tuấn đi thăm khám mới nhận được kết quả Tuấn cũng bị chứng bại não như chị gái (CP).

Lê Anh Tuấn lên 8 tuổi

Vượt qua nỗi đau khi cả 2 con đều phải sống chung với CP, trên tất cả gia đình vẫn luôn dành tình yêu thương và đồng hành cùng 2 chị em. Nhất là Lê Anh Tuấn khi cậu phải sống chung với chứng bại não nặng nề hơn. Khi còn nhỏ, Tuấn phải ở viện nhiều hơn ở nhà. 6 tuổi chưa biết đi, bị bệnh viện trả về, vào những năm cuối thập kỉ 80, nhưng mẹ Tuấn đã cất công tìm hiểu rồi gom góp gửi tiền sang Mỹ để mua thuốc. Đó là một loại thuốc có tác dụng hỗ trợ kích thích dây thần kinh bị tổn thương do Mỹ và Nam Tư sản xuất ở dạng thành phẩm. Đồng thời, Tuấn vẫn được đi học ở trường mẫu giáo của mẹ, và may mắn đó là ngôi trường rất thân thiện hòa đồng.

Sau nhiều nỗ lực tập luyện, khi lên 7, Tuấn đã chập chững bước những bước đi đầu tiên. Với một đứa trẻ bình thường, đây là điều hết sức tự nhiên. Song đối với trường hợp cùa Tuấn, đó như 1 phép màu. Đó là tình thương vô bờ bến của cha mẹ hết lòng vì con, đồng thời, đó cũng là nỗ lực không ngừng nghỉ của một cậu bé đi ba bước ngã 1 lần.

Con đường đi học hòa nhập

Sau quãng thời gian điều trị dài, Anh Tuấn mặc dù đã đi được một chút, song vẫn còn đó là nhiều di chứng của bệnh bại não như nói khó, đi không vững, trương lực cơ không ổn định, xúc động là các cơ sẽ bị co cứng. Vượt qua tất cả cho đến năm 7 tuổi cậu bé Lê Anh Tuấn cũng đã được cắp sách tới trường, và gia đình quyết định cho cậu học hòa nhập với các bạn không khuyết tật, cùng quan điểm rất rõ ràng chỉ có ra xã hội, Tuấn mới có cơ hội và có thể hòa nhập với cộng đồng một cách toàn diện.

Chuyển sang bậc học tiểu học, làm quen với môi trường mới, Anh Tuấn cảm thấy xa lạ. Những ngày đầu nhập học, dù không bị trêu chọc, song các bạn thường tránh và không muốn chơi cùng. Vì muốn có bạn bè, Tuấn đã chọn cho mình cách làm sao học tốt hơn, để chứng tỏ cho chúng bạn, dù cậu khuyết tật về tay chân, song trí tuệ không hề thua kém các bạn cùng lứa.

Những khó khăn ban đầu

Khi đi học, do tay bị co cứng, nên Tuấn viết chậm, chữ viết không được đẹp. Ở vào thời ấy, máy tính còn chưa phổ biến, nên chữ xấu là điều cực kỳ bất lợi vì nhiều khi Tuấn làm bài tốt mà cô giáo không hiểu cũng khó mà được đánh giá cao. Song đổi lại, khả năng tính toán của cậu trò nhỏ khá tốt, nên Tuấn thường dành điểm cao ở các môn khoa học tự nhiên.

Biết và phân tích được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân nên ngay từ nhỏ, Lê Anh Tuấn đã tự “lập trình” cho mình một phương pháp học tập hiệu quả. Môn nào cần tối đa hóa, môn nào cần điểm 5, Tuấn đều chuẩn bị trước.

Tuấn chia sẻ về phương pháp học tập khi ở bậc học phổ thông của mình rất cụ thể và rõ ràng: Với các môn tự nhiên là sở trường nên việc đạt điểm từ 8 trở lên là khá dễ dàng, thậm chí môn hóa học, Tuấn lập kỷ lục về tốc độ. Thời gian thi là 90 phút, Tuấn chỉ làm có 20 phút đã xong bài và đạt điểm tuyệt đối. Với các môn xã hội: Tận dụng đầu năm học bài thường khá ngắn, Tuấn sẽ xung phong lấy hết điểm miệng từ 1-3 tuần đầu tiên. Còn ngày thường, Tuấn cố gắng học theo ý chính.

Cậu học trò hiếu động năm ấy

Những lần vấp ngã rồi đứng dậy

Trên mọi hành trình không thể tránh khỏi những khó khăn, Anh Tuấn gọi đó là những lần vấp ngã.

Đầu tiên lần vấp ngã xảy ra khi Tuấn học lớp 5. Ngày hôm đó, Tuấn nhận được thông báo là không được thi tốt nghiệp tiểu học vì lý do chữ xấu. Khi nghe tin, mọi thứ với Tuấn như đổ sụp xuống. Cậu ngồi gục xuống bàn, nước mắt cứ tuôn ra và khóc đến hết buổi. Ngày thường, bất kể cô giáo nói gì, Tuấn cũng không nói một câu. Nhưng quả thật, lúc đó, Tuấn đã không thể kìm nén được cảm xúc. Về đến nhà, Tuấn ăn vội bát cơm rồi xin phép về phòng nghỉ. Do mẹ Tuấn khi đó phải đi làm nên Tuấn chưa nói gì. Đến tối, cậu bình tĩnh kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Ngày hôm sau, mẹ đến trường viết cam kết sẽ rèn chữ cho con, Sau đó, Tuấn cũng được chấp nhận thi. Về nhà, trước thời gian thi Tuấn đã cố tâp viết sao cho nhìn được. Rồi chỉ sau một thời gian ngắn, chữ viết của Tuấn đã khá hơn. Đó là điều mà chính Tuấn cũng không sao giải thích được nhưng chắc chắn đó là kết quả của sự nỗ lực vượt khó và khát khao học tập cháy bỏng. Cuối cùng, khi được thi, Anh Tuấn là một trong những học sinh đạt điểm cao nhất lớp.

Tuấn nhận phần thưởng lớp 7

Lần vấp ngã thứ 2 xảy ra khi Tuấn học lớp 9. Phần do cậu bị ốm nặng trước ngày thi tốt nghiệp, phần thì cũng lại do chữ xấu, nên Tuấn không vào được trường công. Cậu chuyển sang học ở trường dân lập gần nhà (PTTH Dân lập Đông Kinh). Mỗi lần đi chơi với các bạn cũ thường rất vui, nhưng đằng sau đó là nỗi buồn man mác vì nghĩ bản thân có phần kém cỏi. Nhưng khi trở lại trường, Tuấn không mấy khó khăn khi nằm trong top đầu.

Lần vấp ngã thứ 3, khi đối diện với kì thi Đại học. Vì nhiều lý do như chữ xấu, không biết phân phối sức (ham làm nhiều), choáng ngợp trước kỳ thi lớn,.., Tuấn thi trượt năm đầu. Mặc dù rất buồn, nhưng ngay sau đó Tuấn đã xốc lại tinh thần ôn tập để năm sau thi lại. Ở lần này, Tuấn đã tự xác định lại và hóm hỉnh nói mình đã “khôn hơn”, chọn trường vừa sức, làm bài biết nhấn ở đâu bỏ ở đâu, không ham làm nhiều như trước. Chính vì thế, Tuấn đã đỗ ở một trường Cao đẳng, rồi sau này học liên thông lên Đại học Kinh tế Quốc dân – khoa Tin học.

Giảng đường Đại học

Có thể nói, đây là quãng thời gian mà Anh Tuấn cảm thấy đẹp nhất trong cuộc đời, vì được học ngành mình yêu thích, được thầy cô và bạn bè tôn trọng. Với bản lĩnh rèn luyện là từ những năm học phổ thông, Tuấn không mấy khó khăn khi ở vị trí top đầu. Với tư duy đi trước đón đầu, Tuấn thường tự học các môn chuyên ngành trước từ 1-2 học kỳ. Ham mê lập trình, đèn học trong phòng Tuấn luôn sáng tới 1-2 giờ sáng mới tắt. Kết thúc mỗi kỳ, chàng sinh viên Lê Anh Tuấn thường được điểm khá cao và được chọn đi thi tại các cuộc thi về tin học lập trình. Hầu hết các lần đi thi giải, cậu đều đạt kết quả cao. Năm 2005, anh vinh dự đạt giải “NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT” khi vẫn còn sinh viên năm cuối.

Giải thưởng “Nhân Tài Đất Việt” của Lê Anh Tuấn

Với bạn bè, Tuấn luôn thân thiện, hòa đồng, tích cực trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm học tập để giúp nhau cùng tiến bộ. Ngôi nhà của Tuấn như một nơi để các bạn giao lưu, học hỏi kiến thức. Quả thật hồi đó, với Tuấn mà nói, đây là bức tranh màu hồng tràn ngập hạnh phúc.

Sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ. Lê Anh Tuấn đã tốt nghiệp Ngành tin học tại Trường Cao Đẳng Kinh tế  Kỹ thuật CN 1 năm 2006, Đại học Kinh tế quốc dân cùng chuyên ngành năm 2009, và tốt nghiệp ngành Kế toán của Viện ĐH mở Hà Nội năm 2008.

Tìm kiếm việc làm

Khi ra trường với tấm bằng khá trong tay, một vài giải thưởng đạt được, Tuấn khá tự tin khi đi xin việc. Song cuộc đời không đẹp như mơ. Ở môi trường học phổ thông, thậm chí là Đại học, dù sao vẫn có cái gọi là “Cảm thông”. Nhưng môi trường phải làm việc để kiếm sống, mọi thứ đều khác hẳn. Ở thể khuyết tật bại não dạng co cứng thường có đặc điểm là khi xúc động hay căng thẳng là cơ thể sẽ bị co cứng, nói khó. Anh Tuấn chia sẻ nếu có máy quay, mình nhìn lại có khi mình còn tự thấy sợ huống chi người không quen biết. Vì vậy, Tuấn thường bị trượt khi ở vòng phỏng vấn. Anh nói thêm có những công ty có 2 phần thi là chuyên môn và phỏng vấn. Phần chuyên môn tuy đã đạt điểm tuyệt đối, nhưng khi phỏng vấn thì Tuấn vẫn bị đánh trượt. Tuấn còn nhớ hồi đó, 1 tháng 30 ngày có khi anh đi phỏng vấn đến 28 ngày. Và cuối cùng cũng có 1 công ty nhận, Tuấn bắt đầu trở thành Lập trình viên từ đó. Trong quá trình làm việc anh cũng đã có thành tựu khi viết được các phần mềm ứng dụng. Cụ thể, ngoài những phần mềm trên nền tảng Windows như phần mềm quản lý bán hàng, xuất nhập khẩu, phần mềm chấm công tự động, anh đã viết những công cụ (Tool) để nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là công cụ tạo báo cáo tự động. Với một kỹ thuật viên thiết kế một báo cáo chấm công, nếu làm nhanh, anh ta cũng mất khoảng 30 phút thì khi sử dụng ứng dụng này sẽ chỉ mất 5 phút để hoàn thành. Bộ công cụ này được VSM ở Bộ Quốc Phòng đánh giá rất cao.

Gắn bó với nghề được 10 năm thì cơ thể yếu, đau lưng nên anh nghỉ. Và hiện nay, với mong muốn giúp ích cho cộng đồng và những người cùng hoàn cảnh, anh đang làm việc cho Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) với vai trò quản trị website và là thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tham vấn đồng cảnh và Hướng nghiệp cho trẻ bại não thuộc CPFAV. Anh nhận ra giá trị của bản thân mình khi được làm việc và cống hiến trong môi trường liên quan đến chính chứng bệnh của mình.

Lê Anh Tuấn (đứng giữa) là thành viên trong BCN CLB Tham vấn đồng cảnh và Hướng nghiệp cho trẻ CP trực thuộc CPFAV

Hạnh phúc gia đình

Không dừng lại ở đó, với tài năng và tinh thần vượt khó trong mọi hoàn cảnh, anh cũng đã lập gia đình và có 2 con. Với con gái đầu lòng sinh năm 2012, anh tự hào kể bé từ lớp 1 đến giờ luôn chăm ngoan học giỏi và luôn đứng trong top đầu của lớp. Con trai sinh năm 2016 và rất may mắn khi cả 2 bé đều phát triển bình thường. Vận dụng kinh nghiệm thời còn đi học, anh đã đồng hành theo từng bước phát triển của các con.

Anh tự nhận định con đường đi học và con đường sự nghiệp của mình tuy không thật bằng phẳng do hạn chế thể chất, song khi biết đánh giá đúng năng lực của mình, phân phối sức hợp lý, cùng một sự quyết tâm cao, anh đã vượt qua và có được cuộc sống độc lập, được trở thành con người “có ích” cho xã hội. Nghị lực sống mạnh mẽ của Lê Anh Tuấn là tấm gương cho các em nhỏ sống chung với chứng bại não (CP) và các cha mẹ có con em mắc chứng CP tìm thấy hi vọng trên con đường mình đang đi.

PHP Code Snippets Powered By : XYZScripts.com
Gọi ngay