Những câu hỏi thường gặp về quyện và nghĩa vụ của Người khuyết tật, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật được giải đáp thấu đáo bởi các luật sư của Văn phòng Luật Kết Nối (CONNECT LAW FIRM)
Câu hỏi 1: Đối tượng nào được hưởng, nhận tiền trợ cấp theo chế độ của người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật?
Người khuyết tật là nhóm đối tượng rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương trong xã hội. Do đó pháp luật hiện hành có nhiều chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi người khuyết tật. Nhà nước luôn quan tâm giúp đỡ nhóm người yếu thế này để họ được hòa nhập với cộng đồng như những người bình thường khác.
Về trợ cấp đối với người khuyết tật và gia đình và người chăm sóc cho họ, Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng bao gồm người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng trừ trường hợp được chăm sóc tại các cơ quan bảo trợ xã hội. Gia đình của người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng người đó; người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng là các đối tượng được nhận hỗ trợ chi phí chăm sóc hàng tháng. Tóm lại ai là người trực tiếp thực hiện việc chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng ngoài cơ sở bảo trợ xã hội thì được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng. Lưu ý chỉ người khuyết tật đặc biệt nặng thì gia đình và người trực tiếp nuôi dưỡng họ mới được hưởng hỗ trợ chi phí chăm sóc nuôi dưỡng hàng tháng.
Có thể thay đổi người được hưởng trợ cấp theo chế độ chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật được hay không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có thể thay đổi được người được hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng người khuyết tật. Bởi vì thực tế người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật cũng có thể thay đổi.
Trong trường hợp này bố mẹ nuôi của em bé là người khuyết tật thực hiện thủ tục điều chỉnh đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật như sau:
Căn cứ Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cha mẹ nuôi em bé chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Tờ khai hộ gia đình trực tiếp chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng theo mẫu số 2a ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP;
- Sổ hộ khẩu của gia đình; Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân của cha mẹ nuôi;
- Giấy xác nhận khuyết tật của em bé.
Hồ sơ này được gửi đến Chủ tịch UBND xã phường, thị trấn nơi gia đình cư trú. Trong 7 ngày làm việc kể từ nhận hồ sơ, công chức phụ trách Lao động- Thương binh Xã hội rà soát thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch UBND cấp xã xét duyệt. Việc xét và quyết định duyệt hồ sơ được thực hiện trong 02 ngày làm việc. Sau đó có 10 ngày để các cá nhân tổ chức có liên quan thực hiện khiếu nại.
Trong thời gian 03 ngày kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, Chủ tịch UBND cấp xã gửi hồ sơ và văn bản đề nghị đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định đề nghị, hồ sơ và trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ chi phí chăm sóc nuôi dưỡng hàng tháng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và đề nghị. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, đề nghị do Phòng LĐTB&XH trình, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định việc hỗ trợ chi phí chăm sóc nuôi dưỡng hàng tháng cho gia đình cha mẹ nuôi em bé bị khuyết tật. Nếu từ chối hỗ trợ, Chủ tịch UBND cấp huyện phải phản hồi bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong quy trình trên, cơ quan nào phát hiện hồ sơ không hợp lệ thì lại trả cho cơ quan hoặc cá nhân gửi hồ sơ ngay trước đó yêu cầu sửa đổi bổ sung. Khi nhận được hồ sơ sửa đổi bổ sung thì lại tính thời hạn lại thẩm định.
Theo tôi, cha mẹ nuôi em nhỏ khuyết tật nên thực hiện thủ tục thay đổi đối tượng được hỗ trợ chi phí chăm sóc nuôi dưỡng hàng tháng người khuyết tật như trên để đảm bảo quyền lợi của mình và của em nhỏ.
Câu hỏi 2: Câu hỏi tình huống về Mô hình Giáo dục hòa nhập
Nội dung:
Tình huống: Bác A có con là người khuyết tật, do cháu còn nhỏ và chịu tác động nhiều từ gia đình nên bác không muốn cho con đi học theo thời gian giống như các bạn mà muốn nhập học cho con muộn hơn. Mặc dù vậy, khi bắt đầu cho bé theo học thì gia đình vẫn gặp nhiều phản hồi không mong muốn như việc con của họ ( sau đây gọi là bé H) thường xuyên phải chịu những điều không hay và ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần của trẻ. Vì lý do này, gia đình muốn tìm hiểu để biết rõ về người khuyết tật, kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật và các mô hình giáo dục đối với người khuyết tật đi kèm với việc sống độc lập và tiếp cận.
Trả lời:
Căn cứ vào Điều 2 Luật Người khuyết tật (NKT) năm 2010 các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho các hoạt động sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Thực tế hiện nay, tỷ lệ người khuyết tật chiếm một phần không nhỏ trong tổng thể dân số Việt Nam, điều này đặt ra yêu cầu cần phải có một sự nhìn nhận đúng đắn về các vấn đề liên quan đến người khuyết tật để giảm thiểu sự bất bình đẳng, hình thành thói quen và gia tăng sự tiếp xúc giữa con người với con người. Từ đó, giải quyết vấn đề tư tưởng mang tính cộng đồng.
Kỳ thị NKT là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng NKT vì lý do khuyết tật của người đó.
Phân biệt đối xử NKT là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của họ.
Có thể nhìn nhận rằng, trong một đám đông xã hội, nếu xuất hiện những nhân tố khác biệt so với phần còn lại thì sẽ nhận được nhiều sự phản ứng, có phản đối, có ủng hộ và cả những thành phần trung lập (ở đây có thể hiểu đó là việc mà một người nào đó không tỏ rõ thái độ của mình với đối phương) điều này diễn ra đối với tất cả vác vấn đề trong xã hội chứ không riêng người khuyết tật. Tuy nhiên, đối với họ, việc này diễn ra phổ biến và còn được nhiều người xem là bình thường, điều này có thể một phần lý giải do phản ứng dây chuyền và hiệu ứng đám đông.
Giáo dục hoà nhập: Là phương pháp giáo dục chung cho người khuyết tật và người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
Giáo dục chuyên biệt là phương pháp giáo dục dành riêng cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
Giáo dục bán hoà nhập: là phương pháp giáo dục kết hợp giữa giáo dục hoà nhập và giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
Sống độc lập: là việc người khuyết tật được tự quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của chính mình.
Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được các công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa thể thao du lịch và các dịch vụ phù hợp để có thể hoà nhập cộng đồng.
Tất cả những việc tạo điều kiện cho người khuyết tật được hưởng những quyền lợi bình đẳng.
Câu hỏi 3: Người khuyết tật có bao nhiêu dạng tật và mức độ khuyết tật?
Trả lời:
Người khuyết tật luôn là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của người dân và các cấp chính quyền do tính chất thể hiện sự tiến bộ và trình độ phát triển của xã hội và nền kinh tế.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Luật NKT năm 2010; Điều 2 Nghị định 28/2012 ngày 10/4/2012 của chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT thì NKT có 6 dạng tật và 3 mức độ khuyết tật.
DẠNG TẬT ĐƯỢC CHIA LÀM 6 DẠNG.
- Khuyết tật vận động.
Là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển. - Khuyết tật nghe, nói.
Là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nghe, nói hoặc khả năng nghe và nói phát âm thành tiếng, câu không rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói. - Khuyết tật nhìn.
Là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường. - Khuyết tật thần kinh, tâm thần.
Là tình trạng rối loạn trí giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường. - Khuyết tật trí tuệ.
Là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy, biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về vật chất, hiện tượng, giải quyết sự việc. - Khuyết tật khác
Là tình trạng giảm hoặc mất chức năng do cơ thể bị khiếm khuyết do đó hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập, gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp quy định tại các mục a, b, c, d, e nói trên.
KHUYẾT TẬT ĐƯỢC CHIA LÀM BA MỨC ĐỘ:
- Khuyết tật đặc biệt nặng: là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự kiểm soát hoặc không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
- Khuyết tật nặng: là người do khuyết tật dẫn tới không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
- Khuyết tật nhẹ: là trường hợp không thuộc quy định tại mục a, b nói trên.
Khuyết tật hoàn toàn là hiện tượng không hiếm gặp và cần được nhìn nhận khách quan và tích cực. Điều này cần có sự phối hợp của cả những người có thể trạng tốt và những người được đề cập đến trong vấn đề này.
Câu hỏi 4: Hồ sơ thủ tục? Trình tự xác định mức độ khuyết tật?
Trả lời:
- Đơn đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác.
- Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
- Trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 8 và điểm b, Khoản 2 Điều 8 thì không phải nộp các giấy tờ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
- Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của đối tượng, người đại diện hợp pháp.
- Giấy khai sinh đối với trẻ em.
- Sổ hộ khẩu của đối tượng, người đại diện hợp pháp.
- Tổ chức đánh giá và có biên bản kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật.
- Trường hợp Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì Hội đồng chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Luật Kết Nối (CONNECT LAW FIRM)