CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ TÂM LÝ CHO CHA MẸ TRẺ BẠI NÃO

  • Tên chương trình: “Hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ trẻ bại não”thuộc dự án “THOÁT KHỎI SÀN NHÀ”
  • Thời gian triển khai: 2018 – nay
  • Nội dung: tổ chức các chương trình, hoạt động hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ bại não, giúp các cha mẹ vượt qua khủng hoảng tâm lý, đồng hành lâu dài cùng con em mình.
  • Ủng hộ cho dự án: số tài khoản thiện nguyện 0610 – MBBank – Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam – Ghi rõ: UH Hỗ trợ Tâm lý
    Link app Thiện nguyện: https://thiennguyen.app/user/cpfav
  • Thư ngỏ chương trình “Hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ trẻ bại não”: Xem tại đây
  • Báo cáo tài chính của chương trình: Xem tại đây

Bại não là một chứng rối loạn phức tạp, là nguyên nhân phổ biến gây ra khuyết tật thể chất ở trẻ em, phát sinh từ nhiều bệnh nguyên khác nhau, dẫn đến nhiều biểu hiện lâm sàng phong phú và đa dạng. Cho đến hiện nay, vẫn chưa có một phương pháp nào điều trị dứt điểm hội chứng này. Trẻ bại não sẽ phải sống cùng với những ảnh hưởng của hội chứng cho đến khi trưởng thành. Chính vì vậy, khi cầm trên tay kết luận của bác sỹ rằng con mình mắc chứng bại não, đối với cha mẹ là một “cú sốc” tâm lý rất lớn. Chối bỏ, giận dữ, đổ lỗi, tự ti, mặc cảm,… đủ các cung bậc cảm xúc dồn nén bên trong những người cha, người mẹ. Có những người tự xốc lại tinh thần nhanh hơn, nhưng cũng có người mãi chìm đắm trong đau đớn, dằn vặt, không tin vào sự thật.

Đồng hành cùng các gia đình có trẻ bại não trong nhiều năm, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) vô cùng thấu hiểu nỗi niềm ấy và cảm thông với khó khăn của cha mẹ trong quá trình chăm sóc con là trẻ bại não. Đặc điểm của trẻ bại não là quá trình phục hồi chức năng diễn ra lâu dài, có khi cả đời, nên chỉ có cha mẹ là người đồng hành chính của trẻ. Tâm lý của cha mẹ sẽ quyết định đến việc trẻ được chăm sóc và điều trị như thế nào, không chỉ ở giai đoạn ban đầu mà còn suốt cả chặng đường sau này. Cha mẹ sớm vượt qua cú sốc tâm lý bao nhiêu, thì cơ hội cải thiện sức khỏe và hòa nhập của con càng tốt bấy nhiêu.

Xuất phát từ tầm quan trọng của cha mẹ, CPFAV luôn coi trọng các chương trình tâm lý hỗ trợ cha mẹ vượt qua khủng hoảng đồng hành cùng con và luôn đặt các chương trình tâm lý lên đầu tiên và là chương trình trọng tâm của Hội.

Từ năm 2018, khi Hội mới được hình thành, các chương trình “Hỗ trợ tâm lý cho phụ huynh có con bại não” đã được tổ chức ở các quy mô và mức độ khác nhau, nhằm giúp các cha mẹ giải tỏa những khúc mắc trong tâm lý, tìm lại nguồn năng lượng tích cực để đồng hành cùng con lâu dài. Đây là một phần nội dung của dự án “THOÁT KHỎI SÀN NHÀ” (hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ bại não) đã được CPFAV kiên trì, bền bỉ triển khai trong hơn 6 năm qua. Chương trình ngày càng thu hút được sự quan tâm và đồng hành của các chuyên gia và chính những cha mẹ trong cộng đồng.

MỘT SỐ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. GIAI ĐOẠN 1: 5 NĂM 2018 – 2022

Ngay từ đầu tiên khi mới thành lập Hội, CPFAV đã chú trọng các hoạt động hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ thông qua các buổi sinh hoạt cuối tuần. Các hoạt động đơn giản được diễn ra như: tổ chức các buổi café cuối tuần tạo không gian cho các mẹ trò chuyện, các con được vui chơi; các hoạt động dã ngoại,..giúp cha mẹ giải tỏa căng thẳng, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, đồng hành cùng con.

Các chương trình café cuối tuần được tổ chức thường xuyên vào năm 2018

Xây dựng các nhóm kín “Câu lạc bộ Gia đình Siêu nhân”, “Gia đình Siêu nhân – CPFAV” với việc kiểm soát chặt chẽ thành viên để các cha mẹ có thể thoải mái trút bầu tâm sự, chia sẻ các vấn đề khúc mắc, trở ngại trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, các buổi café chia sẻ, trò chuyện cùng chuyên gia giúp các cha mẹ giải tỏa căng thẳng. Ví dụ: các buổi chia sẻ về chủ đề “Thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực” cùng Chuyên gia Lê Bá Nguyệt Minh (Founder của INNER LIFE COACH) và thầy Nguyễn Đình Vũ (nguyên là Giám đốc chương trình của UNESCO-CEP tại TP.Hồ Chí Minh; “Sự thú vị về mối lương duyên kiếp này” tháng 01/2020 của chị Lê Bá Nguyệt Minh.

Chuyên gia Lê Bá Nguyệt Minh

Thầy Nguyễn Đình Vũ trong một buổi chia sẻ cùng các mẹ tại tp.Hồ Chí Minh

Năm 2021, nhằm hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc và trị liệu cho trẻ CP, CPFAV đã triển khai dự án “Nâng cao năng lực cho cha mẹ trong chăm sóc trẻ CP” do LIN tài trợ tại khu vực phía Nam. Chương trình cũng đã lồng ghép nhiều hoạt động tâm lý cho cha mẹ bên cạnh các hoạt động chuyên môn.

Cùng với hỗ trợ tâm lý, CPFAV cũng song hành triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cha mẹ như: Dự án cho vay vốn sinh kế sau dịch Covid tại Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh; triển khai các diễn đàn chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, cùng với các chuyên gia từ cộng đồng để các mẹ khỏe khoắn, tươi vui đồng hành cùng con.

Nổi bật trong cuối giai đoạn này là việc CPFAV phối hợp cùng Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam triển khai dự án “Sức khỏe tâm thần và chiến lược ứng phó với căng thẳng của người chăm sóc trẻ bại não”. Cùng với dự án là các hoạt động chuyên môn được thực hiện như:

– Tổ chức workshop “Bạo lực gia đình trong gia đình có trẻ CP” với sự tham gia của TS.BS Nguyễn Thị Mai Hiên – Tổng thư ký Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam và Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối.

– Kết nối với Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam mở đường dây nóng tư vấn tâm lý. Đường dây nóng là nơi cha mẹ chia sẻ và nhận được hỗ trợ kịp thời từ các chuyên gia tâm lý về những vấn đề mà bản thân còn đang vướng mắc trong quá trình chăm sóc con, trong các mối quan hệ với gia đình, cách thức đối mặt với rào cản xã hội,…

Workshop “Bạo lực gia đình trong gia đình có trẻ CP” được tổ chức vào ngày 8/1/2022

Giai đoạn 1 (từ 2018 đến 2022), CPFAV đã tổ chức được khoảng 130 buổi hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ tâm lý kết hợp các hoạt động chuyên môn cho cha mẹ trẻ bại não. Tuy nhiên, giai đoạn này chưa có sự tham gia nhiều của các chuyên gia, vẫn chủ yếu là các hoạt động của các cha mẹ tự hỗ trợ nhau từ cộng đồng.

2. GIAI ĐOẠN 2: 2023 ĐẾN NAY

Bước vào giai đoạn thứ 2 từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, các chương trình tâm lý của CPFAV bắt đầu có sự tham gia của nhiều chuyên gia, tổ chức tâm lý để hỗ trợ cộng đồng. Một số kết quả đã đạt được từ 2023 đến nay:

– Hỗ trợ thực hiện Luận án Tiến sỹ về tâm lý của Tiến sỹ Nguyễn Thị Mai Hiên với đề tài “Sức khoẻ tâm thần và chiến lược ứng phó của người chăm sóc trẻ bại não”. Đây là đề tài CPFAV đã cùng TS Mai Hiên tham gia xây dựng câu hỏi, hỗ trợ thực hiện khảo sát ngay chính trong cha mẹ, người chăm sóc là thành viên của mình. Luận án đã nghiên cứu sâu về sức khoẻ tâm thần của người chăm sóc trẻ bại não, về chiến lược ứng phó với gánh nặng chăm sóc của họ và mối liên hệ giữa chúng. Đây là những nghiên cứu chính thức quan trọng làm cơ sở để các bên liên quan xây dựng kế hoạch hỗ trợ can thiệp cải thiện sức khoẻ tâm thần của người chăm sóc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em bại não Việt Nam.

Chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam tham dự buổi Bảo vệ Luận án Tiến sỹ về tâm lý
của Tiến sỹ Nguyễn Thị Mai Hiên

– Tổ chức được hơn 20 buổi chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý cho cha mẹ trẻ bại não, nhằm giúp cha mẹ giải tỏa lo lắng, băn khoăn, có được tâm thế tốt nhất để đồng hành cùng con.

CPFAV đã kết nối với Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam để xây dựng các chương trình hỗ trợ tâm lý hàng tuần cho gần 1000 lượt gia đình có trẻ bại não. Một số chủ đề đã được triển khai có thể kể đến như:

  • Vượt qua cú sốc tâm lý, cha mẹ bình an cùng con;
  • Giải tỏa áp lực tài chính;
  • Ngôn ngữ tích cực trong tâm lý;
  • Biến đau thương thành sức mạnh, chuyển vấn đề thành kim cương;
  • Thay thái độ – đổi cuộc đời;
  • Chìa khóa quản lý cảm xúc;
  • Chia sẻ – Bí mật của hạnh phúc;
  • Phép màu cuộc sống;
  • Sức mạnh của nước và lòng biết ơn;
  • Sức mạnh của niềm tin;
  • Hạnh phúc là lựa chọn;
  • Ghi nhận hiện tại để chiếu sáng tương lai;
  • Quản lý bản thân, an vui đồng hành;
  • Kiến tạo hạnh phúc tự thân;
  • Sức mạnh của bình an tâm trí

Qua những buổi tư vấn tâm lý, dưới sự gợi mở và tư vấn của các chuyên gia, nhiều cha mẹ có con là trẻ bại não đã dần có sự thay đổi, chấp nhận thực tại và suy nghĩ tích cực hơn. Cha mẹ đã học được các phương pháp quản lý cảm xúc của bản thân, đối mặt với căng thẳng. Đây là điều vô cùng quan trọng để cha mẹ giữ trạng thái cân bằng tâm lý, bởi đồng hành cùng trẻ bại não là một quá trình dài, đòi hỏi nhiều thời gian, tài chính và sức lực.

“Hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ trẻ bại não” với các chuyên gia tâm lý của Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam

– Xây dựng các chương trình tham vấn đồng cảnh cho cha mẹ trẻ bại não thông qua chuơng trình “Điểm hẹn cuối tuần”

Không chỉ tư vấn với chuyên gia tâm lý, chương trình còn xây dựng các buổi Tham vấn đồng cảnh cho chính cha mẹ qua chương trình “CPFAV – Điểm hẹn cuối tuần” để các cha mẹ có thể cùng nhau trò chuyện vào mỗi tối Chủ nhật hàng tuần. Trong chương trình này, cha mẹ tham gia sẽ nhận được sự chia sẻ từ chính các gia đình có trẻ bại não khác và người CP trưởng thành trong cộng đồng. Chương trình đã thực hiện được hơn 20 buổi chia sẻ với nhiều chủ đề đa dạng như:

  • Câu chuyện về hành trình đồng hành cùng con của mẹ siêu nhân “đại bàng”, khách mời là những người mẹ đã vượt qua tâm lý tự ti, mặc cảm để chấp nhận và cùng con hòa nhập như: mẹ Phương Hà, mẹ Kim Ngọc, mẹ Mai Vy,…;
  • Kinh nghiệm đồng hành cùng con là trẻ bại não khi con ở độ tuổi tiền tiểu học và tiểu học, những điểm lưu ý trong chính sách giáo dục người khuyết tật;
  • Chia sẻ và thảo luận các kinh nghiệm trong chăm sóc trẻ bại não;
  • Chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm giữ lửa trong gia đình;
  • Kinh nghiệm đồng hành cùng trẻ động kinh;
  • Trò chuyện cùng các anh chị người CP trưởng thành.

Với mỗi chủ đề, ngoài việc lắng nghe câu chuyện từ khách mời, các gia đình tham gia đều có một khoảng thời gian để chia sẻ những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc. Qua kinh nghiệm thực tế được các khách mời chia sẻ, nhiều cha mẹ đã cảm thấy an tâm và sẵn sàng hơn trên hành trình đồng hành cùng con.

“Hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ trẻ bại não” với sự chia sẻ của chính các cha mẹ có con là trẻ bại não
và người CP trưởng thành trong cộng đồng

Chương trình ra đời có ý nghĩa rất thiết thực, được các cha mẹ trong cộng đồng hết sức đón nhận. Những buổi chia sẻ, tư vấn hàng tuần đã giúp cho gần 1000 lượt cha mẹ có trẻ bại não tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Khi chấp nhận đứa con của mình trong tâm thế vui vẻ, bình an, cha mẹ sẽ có năng lượng tích cực để kiên trì đồng hành lâu dài. Con trẻ cũng sẽ cảm nhận được năng lượng tích cực, cảm nhận được sự yêu thương và an toàn từ cha mẹ, phần nào đó cũng sẽ cảm thấy tích cực, có động lực hơn để tiếp thu những điều cha mẹ hướng dẫn mà luyện tập tốt hơn. Những thành quả mà con đạt được sẽ lại trở thành một nguồn động lực lớn để cha mẹ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và tiếp tục kiên trì đồng hành cùng con.

Như vậy, cha mẹ đồng hành cùng con nhưng thực chất cha mẹ cũng đang đồng hành cùng chính mình trong hành trình vực dậy tinh thần của bản thân sau cú sốc biết con bị bệnh, vực dậy sau cú ngã tâm lý mà chẳng ai mong muốn.

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam mong mỏi có đủ nguồn kinh phí để duy trì và phát triển chương trình, tạo ra môi trường nhằm giúp các cha mẹ có con không may mắc chứng bại não cảm thấy được chia sẻ, được chữa lành để tự tin cùng con điều trị, hòa nhập xã hội.

PHP Code Snippets Powered By : XYZScripts.com
Gọi ngay