BẢN TIN CPFAV THÁNG 11/2024

1. CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG CHO TRẺ BẠI NÃO

TRAO XE LĂN CHO TRẺ EM BẠI NÃO TẠI TỈNH HÀ NAM

Sáng ngày 29/11/2024, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam phối hợp với Chi Hội Hà Nam – Hội Gia đình trẻ em và người bại não Việt Nam, Câu lạc bộ Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em Hương Lam – thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình “Đôi chân của bé” – Lắp ráp và trao tặng xe lăn cho trẻ em bại não, bại liệt” tại tỉnh Hà Nam do Dự Án Nụ-Cười Nhân-Ái, Tổ chức NOJF tài trợ.

Trao xe lăn cho trẻ bại não do do Dự Án Nụ-Cười Nhân-Ái, Tổ chức NOJF tài trợ ngày 29/11/2024

Trong đợt này, Dự án Nụ cười Nhân ái, Tổ chức NOJF tài trợ và trao tặng 37 chiếc xe lăn chuyên biệt nhập khẩu từ Úc dành cho trẻ em bị bại não, bại liệt từ các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Dương. Món quà là nguồn động viên lớn lao đối với các em và gia đình, là phương tiện giúp các em dễ dàng, thuận lợi hơn trong sinh hoạt.

37 chiếc xe lăn chuyên biệt nhập khẩu từ Úc dành cho trẻ em bị bại não, bại liệt từ các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Dương

CPFAV THAM GIA HỘI THẢO “GIỚI THIỆU ỨNG DỤNG HỖ TRỢ NGƯỜI KHUYẾT TẬT DI CHUYỂN VÀ MUA HÀNG WHEEL VI”

Ngày 19/11/2024, chị Nguyễn Thùy Chi – Phó chủ tịch CPFAV, Chủ nhiệm câu lạc bộ Người trưởng thành sống với chứng CP (ACPV) đã tham dự Hội thảo “Giới thiệu ứng dụng hỗ trợ người di chuyển và mua hàng Wheel VI” tại Hà Nội.

Tại chương trình, đại diện công ty LBStech đã chia sẻ về ứng dụng WheelVI và kết quả thử nghiệm tại Việt Nam. Qua đó, giúp mọi người tham dự hiểu hơn về thông tin và cách thức hoạt động của ứng dụng.

Nằm trong khuôn khổ dự án tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc, hiện BSR VN đang hỗ trợ kết nối Doanh nghiệp LBStech – công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu các giải pháp, phần mềm hỗ trợ người khuyết tật trong cuộc sống thường ngày và là nhà phát triển ứng dụng có tên WheelVi. Là một ứng dụng điện thoại di động, WheelVi không chỉ đơn thuần là một công cụ chỉ đường, mà còn được thiết kế để hỗ trợ tối đa người khuyết tật (người khiếm thính, người khiếm thị, người khuyết tật phải dùng xe lăn…) trong việc điều hướng và nắm bắt thông tin quan trọng trong quá trình di chuyển từ nhà đến các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán ăn, trung tâm mua sắm, và các địa điểm vui chơi.

2. CÁC HOẠT ĐỘNG CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO TRẺ BẠI NÃO

CHƯƠNG TRÌNH BẢO TRỢ GIA ĐÌNH SIÊU NHÂN

Nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với các gia đình trẻ bại não có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) đã thực hiện Chương trình Bảo trợ Gia đình Siêu nhân. Mỗi gia đình sẽ nhận được dụng cụ phục hồi chức năng, bỉm, sữa, gạo,… tương đương 500,000VND/tháng và sẽ được các tình nguyện viên của CPFAV trao đến tận tay theo tháng (hoặc quý). Năm 2024, CPFAV phát động bảo trợ cho hơn 300 gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội.

Trao bảo trợ BTSN 58

Trao bảo trợ BTSN 137

Tính đến tháng 11/2024, có hơn 100 gia đình đã được nhận bảo trợ từ các Nhà bảo trợ với tấm lòng nhân ái. CPFAV đã thực hiện trao quà đến các gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội được đề xuất bảo trợ. Các Chi hội trưởng đã nhiệt tình không quản đường xá xa xôi để trao quà đến tận tay các con. Quà tặng bao gồm bỉm, sữa và các nhu yếu phẩm thiết yếu đã phần nào hỗ trợ các gia đình, đồng thời gửi gắm những tình cảm, sự yêu thương, sẻ chia của mọi người đối với hoàn cảnh của các em.

3. CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG TRẺ BẠI NÃO

 CPFAV THAM GIA LỄ HỘI ÂM NHẠC BRIDGEFEST – THU HẸP KHOẢNG CÁCH 2024

Ngày 2/11/2024, Hội Gia đình trẻ em và người bại não Việt Nam (CPFAV) đã có một ngày đầy cảm xúc tại BridgeFest – Lễ hội âm nhạc Thu hẹp khoảng cách.

Bằng sự sáng tạo và cố gắng của cả đội ngũ, CPFAV đã mang đến Lễ hội một không gian tràn ngập màu xanh và tinh thần cộng đồng. Thông qua các hoạt động trải nghiệm như hỏi đáp về hội chứng, làm thiệp xanh tặng trẻ bại não, làm len cùng người CP và vẽ tranh trái tim xanh khổng lồ, mọi người tham quan gian hàng đã hiểu hơn về chứng bại não (CP), các hoạt động của Hội và về cộng đồng người CP. Đây cũng là dịp để CPFAV có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm truyền thông cũng như hoạt động từ các tổ chức xã hội khác, góp phần hoàn thiện tổ chức và đưa hình ảnh của cộng đồng đến gần hơn với xã hội.

Một số hình ảnh tại sự kiện

CPFAV THAM GIA HỌP KỸ THUẬT XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LIÊN HIỆP HỘI VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM (VFD)

Ngày 5/11/2024, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp Kỹ thuật xây dựng chiến lược phát triển Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến 2035. Đại diện cho CPFAV, chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch CPFAV, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam là thành viên tham gia phân tích, đánh giá chiến lược của VFD. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tiếng nói của cộng đồng trẻ em và người bại não Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng người khuyết tật.

Chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch CPFAV, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam là thành viên tham gia phân tích, đánh giá chiến lược của VFD

Tại chương trình, các đại biểu đã nghe trình bày tóm tắt kết quả báo cáo đánh giá phân tích chiến lược, dự thảo Đề cương Chiến lược phát triển Liên hiệp hội và tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển của Liên hiệp hội trong giai đoạn tới. Các đại biểu cũng đã cùng thảo luận các vấn đề xoay quanh việc xác định mục tiêu và giải pháp chiến lược phát triển của Liên hiệp hội.

Một số hình ảnh tại Hội thảo.

Trong khuôn khổ Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2024-2026, VFD ưu tiên xây dựng chiến lược phát triển tổ chức Liên hiệp hội của người khuyết tật Việt Nam giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Hoạt động xây dựng chiến lược phát triển tổ chức giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035, bao gồm các hoạt động chính như sau:

  1. Xem xét việc thực hiện kế hoạch Chiến lược phát triển tổ chức giai đoạn 2016-2020 và hiện trạng hoạt động chiến lược của VFD;
  2. Điều phối các thành viên và tổ chức thành viên của VFD tích cực tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược, bao gồm việc rà soát Chiến lược trước đó, phân tích tình hình, chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi; đề xuất các chỉ số KPI, chiến lược và chương trình/dự án;
  3. Điều phối VFD tham vấn với các bên liên quan của VFD để đưa ra các đề xuất giúp VFD hoàn chỉnh Chiến lược;
  4. Hoàn thiện Chiến lược phát triển tổ chức của VFD giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035.

HỘI THẢO TỔNG KẾT DỰ ÁN “PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC THỂ CHẤT, TINH THẦN VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI TRẺ EM, TRONG ĐÓ CÓ TRẺ KHUYẾT TẬT”

Ngày 12.11.2024, tại Hà Nội, Hội thảo tổng kết Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật” (AVAC) đã diễn ra với sự có mặt của gần 80 đại biểu từ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và trường học, đặc biệt là sự tham gia của các em học sinh THCS, bao gồm trẻ khuyết tật.

Dự án AVAC được Bộ Nội vụ phê duyệt theo Quyết định số 1210/QĐ-BNV và nhận tài trợ từ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Hồng Kông. Đây là một hợp phần trong Dự án AVAC do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SC) điều phối, triển khai qua ba đối tác: Viện MSD, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR), và Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC).

Hội thảo tổng kết Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật” (AVAC) ngày 12/11/2024

Hội Gia đình trẻ em và người bại não Việt Nam đã tích cực tham gia dự án từ những ngày đầu tiên thông qua nhiều hoạt động:
  • Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn cho cha mẹ trẻ khuyết tật với nhiều nội dung phong phú như: quyền trẻ em, kỹ năng thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho thanh thiếu niên khuyết tật,…
  • Tham gia tập huấn quyền trẻ em cho trẻ em khuyết tật với đại diện là em Hà Đức Mạnh (Phú Thọ)
  • Tham gia cuộc thi vẽ tranh “Tiếng nói của chúng em” và có 02 tác phẩm đạt giải.

Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết các kết quả sau quá trình triển khai hoạt động dự án. Tại đây, các đại biểu đã cùng thảo luận và chia sẻ bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong việc thúc đẩy sự tham gia và bảo vệ quyền của trẻ em.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra hai tọa đàm với các chủ đề: 1. Lắng nghe trẻ em để bảo vệ trẻ em và 2. Chung tay phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, nhằm trao đổi sâu hơn về các cách thức nỗ lực tạo ra môi trường an toàn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật, đồng thời kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, và cộng đồng trong công tác bảo vệ quyền trẻ em.

Tọa đàm “Lắng nghe trẻ em để bảo vệ trẻ em” diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo

Hội thảo khẳng định cam kết của các tổ chức và cộng đồng trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, và tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kiến tạo xã hội thân thiện, bình đẳng, và tôn trọng quyền của trẻ. Các kết quả và ý kiến thu thập từ hội thảo sẽ là cơ sở để các bên liên quan tiếp tục triển khai các sáng kiến bảo vệ trẻ em trong tương lai.

CÔNG TY CHĂM SÓC SỨC KHỎE ĐƯỜNG RUỘT VIỆT NAM CHIA SẺ KINH NGHIỆM LÀM TRUYỀN THÔNG CÙNG CPFAV

Sáng ngày 14/11, tại Văn phòng số 1074 La Thành đã diễn ra buổi chia sẻ đầy bổ ích và ý nghĩa của Công ty Chăm sóc Sức khoẻ Đường ruột dành cho Hội Gia đình trẻ em và người bại não Việt Nam – CPFAV về công tác truyền thông. Rất nhiều kinh nghiệm, bài học và cơ hội đã được mở ra với CPFAV.

Công ty Chăm sóc sức khỏe đường ruột Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm truyền thông với CPFAV tại buổi gặp gỡ

Đào tạo liên tục để nâng cao chất lượng nguồn nhân sự luôn là khâu được Hội quan tâm để các hoạt động của tổ chức được hiệu quả, hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình, trẻ em và người bại não. Trân trọng cảm ơn Công ty Chăm sóc sức khoẻ đường ruột Việt Nam đã đồng hành cùng CPFAV trên hành trình này, góp phần nâng cao nhận thức, mang hình ảnh của cộng đồng CP đến gần hơn với xã hội.

 CPFAV THAM DỰ HỌP MẶT NHÂN KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 3/12 DO LIÊN HIỆP HỘI VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM TỔ CHỨC

Chào mừng Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12/2024), sáng 28/11/2024, chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch Hội Gia đình trẻ em và người bại não Việt Nam – CPFAV, Ủy viên Thường vụ BCH Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam đã tham dự buổi gặp mặt các thành viên là các tổ chức, hội hoạt động về người khuyết tật đến từ mọi miền đất nước và cùng thảo luận về kế hoạch phát triển Liên hiệp hội do Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) tổ chức. Đây là dịp để CPFAV gặp gỡ hơn 50 cô chú, anh chị của các tổ chức của và vì người khuyết tật trên khắp cả nước, cùng nhau chia sẻ, gắn kết vì một mục tiêu chung cho sự phát triển của cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.

Chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch CPFAV chụp ảnh cùng bà Đặng Huỳnh Mai –  Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và đại diện các tổ chức của và vì người khuyết tật

PHP Code Snippets Powered By : XYZScripts.com
Gọi ngay