BẢN TIN CPFAV THÁNG 11/2022

1.CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG

HỘI THẢO “VẬT LÝ TRỊ LIỆU TRONG NHI KHOA: LẤY GIA ĐÌNH LÀM TRUNG TÂM TRONG CAN THIỆP SỚM”

Trong thập kỷ qua, đã có sự thay đổi từ mô hình các chuyên viên vật lý trị liệu đưa định hướng sang mô hình trao quyền/giáo dục gia đình.  Mô hình can thiệp lấy gia đình làm trung tâm (FCC) cung cấp sự hợp tác giữa chuyên viên vật lý trị liệu và gia đình trong đó các mục tiêu và nguyện vọng của gia đình là trung tâm của sự can thiệp. Can thiệp lấy gia đình làm trung tâm đảm bảo rằng các can thiệp được cá nhân hóa, linh hoạt, phù hợp về mặt văn hóa và phù hợp với từng gia đình.

Với mong muốn đưa đến cho các chuyên viên Vật lý trị liệu và gia đình có trẻ bại não biết được vai trò và mô hình chăm sóc này, ngày 26/11 vừa qua, Hội Vật lý trị liệu Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Vật lý trị liệu trong Nhi Khoa: Lấy Gia đình làm trung tâm trong can thiệp sớm.”

Tại hội thảo, ThS.VLTL. Yi-Ling Pan – Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, trung tâm Đánh giá và can thiệp sự phát triển trẻ em – Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan đã chia sẻ đến các chuyên viên và các gia đình về:

  • Vai trò của gia đình trong chăm sóc sớm: các nguyên tắc cơ bản, lý thuyết, và chứng cứ
  • Các phương pháp thực hành: mô hình dựa vào sinh hoạt hằng ngày của trẻ, mô hình thực hành theo mục tiêu, ma trận mục tiêu sinh hoạt/can thiệp và các ví dụ.

Hội thảo đã giúp các chuyên viên vật lý trị liệu và các gia đình có trẻ bại não hiểu được vai trò hết sức quan trọng của gia đình đối với việc can thiệp sớm cho trẻ bại não, giúp các con có cơ hội cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

CHƯƠNG TRÌNH THOÁT KHỎI SÀN NHÀ TIẾP TỤC TRAO DỤNG CỤ CHO TRẺ BẠI NÃO

Tháng 11/2022, Thoát khỏi sàn nhà tiếp tục hành trình mang đến cơ hội luyện tập, phục hồi cho trẻ bại não với 04 dụng cụ tập luyện, hỗ trợ tư thế được trao cho bốn em:

  • Em Nguyễn Đức Toàn ở Cẩm Giàng – Hải Dương nhận dụng cụ là một chiếc khung tập đi có khóa chống lùi thuộc dự án “Thoát khỏi sàn nhà 2022”.

  • Em Ngô Gia Hưng ở Yên Dũng – Bắc Giang nhận dụng cụ là một chiếc khung tập đi inox.

  • Em Ngô Ngọc Diệp ở Hà Nội nhận dụng cụ là một chiếc khung tập đi có đai nâng đỡ thuộc dự án “Thoát khỏi sàn nhà 2022”.

  • Em Trần Ngọc Anh Thư ở Yên Phúc – Ý Yên – Nam Định nhận khung tập đi inox của dự án.

ĐÓN CÁC CHUYÊN GIA ĐẾN THĂM MÁI ẤM GIA ĐÌNH SIÊU NHÂN

Trong tháng 11/2022, CPFAV vinh dự được đón tiếp hai đoàn chuyên gia đến thăm và khảo sát Mái ấm:

GS.BS Trần Anh Tôn và đoàn bác sĩ tới từ bệnh viện chỉnh hình Monash – Australia. Dù lịch trình làm việc ở Việt Nam dày đặc, nhưng bác sĩ vẫn dành thời gian đến thăm Mái ấm và tranh thủ khám cho các bé đang lưu trú ở Mái ấm.

BS. Trần Anh Tôn cùng đoàn bác sĩ bệnh viện Monash – Australia đến thăm và khám chocác bé đang lưu trú tại mái ấm

Trị liệu viên Hàn Quốc Seo Young-ho, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Vật lý trị liệu cũng đã dành thời gian đến thăm Mái ấm và các con trong lịch trình bận rộn của mình. Ông đến Việt Nam với mong muốn hỗ trợ điều trị cho trẻ bại não tại đây.

Trị liệu viên Hàn Quốc Seo Young-ho  đến thăm và khám cho các bé đang lưu trú tại mái ấm

Mỗi chuyến thăm là tình cảm, sự quan tâm của cộng đồng xã hội đến trẻ CP (bại não), đồng thời kết nối các nguồn lực hỗ trợ quốc tế đến với CPFAV và cộng đồng người CP Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam tiếp tục phát triển, góp phần đưa tiếng nói của người CP đến gần hơn với mọi người.

HUMANITY INCLUSION VIỆT NAM TRAO TẶNG MÁY TÍNH BẢNG CÓ PHẦN MỀM HỖ TRỢ GIAO TIẾP CHO HỘI GIA ĐÌNH TRẺ BẠI NÃO VIỆT NAM

Máy tính bảng có cài đặt sẵn cả 3 phần mềm Talk Tablet VN, Alpha Topics, Articulound. Đây là bộ ba ứng dụng hỗ trợ giao tiếp thông qua hệ thống hình ảnh, phù hợp cho những người có vấn đề về âm ngữ, giúp họ khôi phục khả năng giao tiếp trôi chảy.

Món quà ý nghĩa đến từ Humanity & Inclusion Vietnam (HI) đã được chị Trương Hiền Anh – Phó Giám đốc Quốc gia của HI trao tặng cho Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam.

Chị Trương Hiền Anh – Phó Giám đốc Quốc gia của HI trao tặng máy tính bảng có phần mềm hỗ trợ giao tiếp cho Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam.

Chiếc máy này sẽ được CPFAV đặt tại văn phòng để các bé CP và các bạn CP trưởng thành có khó khăn trong giao tiếp bằng lời trong Hội được trải nghiệm sử dụng phần mềm, từ đó tìm thấy giải pháp kết nối hiệu quả với mọi người xung quanh để tự tin hòa nhập cộng đồng.

2.CÁC HOẠT ĐỘNG GÓP PHẦN CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO TRẺ BẠI NÃO

CHƯƠNG TRÌNH “BẢO TRỢ GIA ĐÌNH SIÊU NHÂN”

Nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với các gia đình trẻ bại não có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) đã thực hiện Chương trình Bảo trợ Gia đình Siêu nhân. Mỗi gia đình sẽ nhận được dụng cụ phục hồi chức năng, bỉm, sữa, gạo,… tương đương 500,000VND/tháng và sẽ được các tình nguyện viên của CPFAV trao đến tận tay theo tháng (hoặc quý). Năm 2022, CPFAV phát động bảo trợ cho hơn 200 gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội.

Trao bảo trợ BTSN 133

Trao bảo trợ BTSN 109

Tính đến tháng 11/2022, có hơn 110 gia đình đã được nhận bảo trợ từ các Nhà bảo trợ với tấm lòng nhân ái. CPFAV đã thực hiện trao quà đến các gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội được đề xuất bảo trợ. Các Chi hội trưởng đã nhiệt tình không quản đường xá xa xôi để trao quà đến tận tay các con. Quà tặng bao gồm bỉm, sữa và các nhu yếu phẩm thiết yếu đã phần nào hỗ trợ các gia đình, đồng thời gửi gắm những tình cảm, sự yêu thương, sẻ chia của mọi người đối với hoàn cảnh của các em.

BÁO CÁO ỦNG HỘ EM NGUYỄN HUỲNH GIA ÂN

Ngày 19/11/2022, CPFAV có kêu gọi ủng hộ cho em Nguyễn Huỳnh Gia Ân sinh năm 2011 ở số nhà 202, Tổ 7 khu phố Bình Dương, phường Long Bình Tân, Biên Hòa, Đồng Nai. Gia Ân bị liệt não, não úng thủy nên chỉ nằm một chỗ. Mẹ em là Nguyễn Thị Hồng Nhung là mẹ đơn thân, không có nghề nghiệp ổn định, sống với ông bà ngoại cùng cảnh bần hàn không nhà không cửa. Ông là lao động chính trong nhà thì đã mất trong dịch Covid-19. Cả gia đình ở thuê trọ trong một gian nhà gác tạm bằng mái tôn vách lá, nhưng căn nhà cũng đã bị sập và phải đi ở nhờ nhà hàng xóm.

Sau một thời gian kêu gọi ủng hộ, căn nhà nhỏ của em Nguyễn Huỳnh Gia Ân (số 202, Tổ 7 khu phố Bình Dương, phường Long Bình Tân, Biên Hòa, Đồng Nai) đã được hoàn thành. Căn nhà được lợp tôn với khung sắt chắc chắn, nền được lát đá sạch sẽ, bếp núc, công trình phụ gọn gàng.

Căn nhà mới của bé Gia Ân được lợp tôn với khung sắt chắc chắn, nền lát đá sạch sẽ

Số tiền ủng hộ em Gia Ân qua TK của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam – CPFAV là: 34,400,000đ và hiện vật là 3 thùng sữa.

  • Số tiền trao cho thợ để cùng các MTQ địa phương dựng nhà: 10,000,000đ
  • Số tiền mặt trao cho em Gia Ân hỗ trợ em bị ốm: 3,000,000đ
  • Số tiền còn lại: 21,400,000đ sẽ được CPFAV thực hiện bảo trợ mỗi tháng theo quy định của chương trình Bảo trợ Gia đình Siêu nhân.

(Gia Ân có mã bảo trợ là BTSN 06 từ năm 2019 nhưng sau đó không hữu duyên nhận được đỡ đầu nữa).

Chi Hội Đồng Nai đại diện CPFAV trao quà cho em Nguyễn Huỳnh Gia Ân

Vô cùng trân trọng và biết ơn mọi người đã chung tay hỗ trợ em Gia Ân cũng như chia sẻ với đại gia đình CPFAV.

HOẠT ĐỘNG CỦA MÁI ẤM GIA ĐÌNH SIÊU NHÂN

Mái ấm Gia đình siêu nhân là mái nhà nhỏ của trẻ bại não và gia đình khi đưa con về Hà Nội khám, chữa bệnh, nơi các gia đình của trẻ bại não đến lưu trú miễn phí trong thời gian điều trị cho con. Được sự bảo trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em bại não GoGreen4CP, với mục tiêu lan tỏa và đồng hành cùng nhiều gia đình hơn nữa trong thời gian tới, Mái ấm đã được chuyển về một nơi rộng rãi hơn, tiện nghi hơn để đón các gia đình về lưu trú trong thời gian khám, chữa bệnh cho con tại Tầng 6, số nhà 1074 La Thành, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.

Một số hình ảnh các bé về mái ấm

Tháng 11 này, Mái ấm chào đón gần 10 lượt lưu trú của các gia đình đưa con lên Hà Nội chữa trị. Mái ấm thật sự đã trở thành ngôi nhà thứ hai của mỗi gia đình siêu nhân khi đến với Thủ đô.

CHƯƠNG TRÌNH ÁO ẤM SIÊU NHÂN

“Áo ấm siêu nhân” – chương trình thu gom quần áo ấm mỗi tháng 10 đã gắn với hoạt động của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam từ những năm đầu thành lập. Trải qua 5 năm hoạt động, “Áo ấm siêu nhân” đã lan tỏa, đem lại niềm vui cho các em nhỏ siêu nhân khắp mọi miền tổ quốc.

Quần áo được các mẹ trong Hội gấp, đóng gói cẩn thận để chuyển đến các con trên cả nước

Năm 2022, chỉ sau 2 tháng phát động chương trình, hàng chục lượt quần áo ấm đã được chuyển về trụ sở CPFAV tại 1074 Đê La Thành. Toàn bộ được các mẹ trong Hội tỉ mỉ gấp gọn, đóng gói cẩn thận và chuyển đến tận nơi cho các bé đã đăng ký. 64 thùng quần áo gửi đi chứa đựng biết bao tình cảm của mọi người dành cho các con của Gia đình siêu nhân, mong các con có một mùa đông ấm áp, đủ đầy yêu thương.

3.CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG TRẺ BẠI NÃO VIỆT NAM

TIN HOẠT ĐỘNG CHI HỘI THANH HÓA: CÔNG TY FUWA THANH HÓA THĂM VÀ TẶNG QUÀ CHO CÁC GIA ĐÌNH TRẺ BẠI NÃO ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Chiều ngày 17/11/2022, CPFAV chi hội Thanh Hóa đã phối hợp với công ty Fuwa tổ chức thăm và tặng quà cho các gia đình trẻ bại não có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Chị Bùi Thị Bích Ngọc – Giám đốc điều hành Công ty Fuwa Thanh Hóa – đại diện đoàn đã thăm hỏi, động viên tinh thần, sức khoẻ của các em, động viên các em và gia đình cố gắng vươn lên trong cuộc sống, đồng thời trao tặng 3 suất quà cho ba gia đình gồm: gia đình cháu Nguyễn Thu Hà (xóm 6, xã Nga Yên, huyện Nga Sơn), Trịnh Đình Việt (thôn 7, làng Xanh, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc), Trương Đình Bảo Khang (khu phố Thành Thắng, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn), mỗi suất quà gồm 1.500.00 đồng tiền mặt, set sản phẩm Fuwa và 01 bộ sách Thương.

Chị Bùi Thị Bích Ngọc – Giám đốc điều hành Công ty Fuwa Thanh Hóa tặng quà cho các gia đình trẻ bại não có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Thay mặt chi hội, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (Chi hội trưởng chi hội trẻ bại não Thanh Hóa) gửi lời cảm ơn sâu sắc đến công ty Fuwa và các nhà hảo tâm. Đây sẽ là hoạt động thường niên của Chi hội và các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm nhằm động viên cũng như hỗ trợ các gia đình trong chi hội, thể hiện lòng nhân ái và sự quan tâm, bao dung, chia sẻ đối với các gia đình trong chi hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các em nhỏ khuyết tật kém may mắn trong cuộc sống.

CPFAV LẦN ĐẦU TIÊN THAM GIA ĐẠI HỘI ĐỒNG THƯỜNG NIÊN CỦA HIỆP HỘI BẠI NÃO QUỐC TẾ ICPS

Ngày 28/11/2022 vừa qua, Hiệp hội Bại não quốc tế ICPS đã tổ chức buổi họp đại hội đồng thường niên theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các thành viên đến từ 43 quốc gia trên thế giới.

Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) lần đầu tiên, với tư cách là thành viên chính thức của ICPS, đã cử đại diện tham dự sự kiện quan trọng này.

Mở đầu buổi họp, một cuộc thảo luận nhóm trực tuyến về “Bại não trong các tình huống khẩn cấp” đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của tất cả người tham dự. Trong không khí thảo luận sôi nổi, các thành viên của ICPS ở Lebanon, Nepal và Ukraine đã chia sẻ những trải nghiệm trực tiếp mới đây của họ về những tình huống khẩn cấp, cung cấp cho các thành viên khác góc nhìn chân thực nhất, từ đó xem xét các hướng dẫn hiện hành về cách giúp đỡ những người bị bại não và các khuyết tật khác trong các khu vực xung đột hoặc thiên tai.

Kết thúc buổi làm việc, CPFAV cũng như các thành viên tham gia đều có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về cách thức để giúp đỡ những người bị bại não trong các trường hợp khẩn cấp, từ đó có các giải pháp phù hợp đối với những trường hợp khẩn cấp xảy ra tại quốc gia của mình.

LỚP HỌC SIÊU NHÂN: TRI ÂN THẦY CÔ NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Ngày 20/11/2022,  trong không gian quen thuộc tại 1074 Đê La Thành, cô và trò của lớp học siêu nhân đã cùng nhau tổ chức buổi kỷ niệm nhỏ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Dù chỉ là buổi liên hoan đơn giản, nhưng đây là dịp để các con của lớp học siêu nhân cùng các bậc cha mẹ gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô, các tình nguyện viên đã đồng hành với lớp học trong suốt thời gian qua. Chúc  tất cả các thầy cô giáo trên mọi miền đất nước cũng như các thầy cô, tình nguyện viên của lớp sức khỏe, hạnh phúc và thật thành công trong sự nghiệp trồng người.

CÂU LẠC BỘ CP TRƯỞNG THÀNH: HỘI THẢO: THÚC ĐẨY MÔ HÌNH NHÀ Ở TIẾP CẬN VÀ HỖ TRỢ SINH KẾ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI VIỆT NAM

Ngày 24/11 tại Hà Nội, Habitat for Humanity Vietnam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam (NCD) tổ chức hội thảo thúc đẩy các mô hình nhà ở tiếp cận và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật tại Việt Nam, thu hút sự tham gia đông đảo của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm đến chủ đề lần này.

Anh Trần Quốc Hiệp – Phó chủ nhiệm đã đại diện Câu lạc bộ Người trưởng thành sống với chứng CP (ACPV) tham dự hội thảo.

Hội thảo là dịp để người tham gia, các chuyên gia đến từ các bộ, ngành liên quan và các tổ chức trong nước và quốc tế vì người khuyết tật trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về sự hợp tác liên ngành trong tương lai nhằm hoàn thiện và đưa các chính sách và các quy định và tiêu chuẩn hòa nhập cho người khuyết tật vào thực tiễn.

Trong đó, những chia sẻ kinh nghiệm về kết quả của dự án “Nhà ở tươm tất, cuộc sống tươi đẹp” của Habitat Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm. Trong 6 tháng triển khai, dự án đặt mục tiêu giúp 233 thành viên cộng đồng và cán bộ ở huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) xây dựng nhà ở hòa nhập, nâng cao kiến thức về quyền của người khuyết tật, thực hiện các tiêu chuẩn của nhà ở hòa nhập. Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Quốc gia Habitat for Humanity Việt Nam – bà Maricelle Regino-Borja nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng mọi người đều xứng đáng có một mái ấm tươm tất để có thể sống một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, người khuyết tật thường bị cô lập trong chính môi trường sống của họ do không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Những khó khăn này làm giảm hiệu suất, động lực, sự độc lập và khả năng làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội của họ.

Vì vậy, chúng tôi hy vọng hội thảo này có thể nâng cao quyền và nhu cầu của cộng đồng người khuyết tật, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến đa ngành giúp tháo gỡ các rào cản về nhà ở cho người khuyết tật tại Việt Nam”.

Tại hội thảo, nhiều nội dung về thực thi chính sách hỗ trợ dành cho người khuyết tật cũng được tập trung thảo luận, đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ về những khó khăn trong việc cải tạo trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu… bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Nhiều khuyến nghị đã được đưa ra, tất cả nhằm hỗ trợ người khuyết tật về sinh kế,để cải thiện khả năng sống độc lập và chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.

BS. Trần Anh Tôn cùng đoàn bác sĩ bệnh viện Monash – Australia đến thăm và khám cho các bé đang lưu trú tại mái ấm

PHP Code Snippets Powered By : XYZScripts.com
Gọi ngay