BẢN TIN CPFAV THÁNG 08/2023

1. CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG CHO TRẺ BẠI NÃO

[CPFAV] CHUỖI CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ TÂM LÝ CHO PHỤ HUYNH TRẺ BẠI NÃO (CP)
BUỔI 4: BIẾN ĐAU THƯƠNG THÀNH SỨC MẠNH, CHUYỂN VẤN ĐỀ THÀNH KIM CƯƠNG

Chương trình “Hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ trẻ bại não” đã đi qua 3 buổi trò chuyện với sự tham gia của hơn 100 cha mẹ. Sau chia sẻ của các chuyên gia đến từ Trung tâm Phục hồi chức năng & Trị liệu ngôn ngữ VinaHealth, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, các cha mẹ tham gia không chỉ có thêm kiến thức về hội chứng bại não mà còn biết cách quản lý cảm xúc, giải tỏa áp lực để có tâm thế tốt nhất đồng hành với con. Nhằm giúp các gia đình có thể áp dụng kiến thức, thúc đẩy hướng tới những hành động tích cực, ngày 2/8/2023, buổi trò chuyện, tư vấn thứ tư với chủ đề “BIẾN ĐAU THƯƠNG THÀNH SỨC MẠNH, CHUYỂN VẤN ĐỀ THÀNH KIM CƯƠNG” đã diễn ra theo hình thức online qua Zoom của Hội.

Trong chương trình, chị Nguyễn Thị Sơn Ca – Chuyên gia Tâm lý trị liệu đã có nhiều chia sẻ, tạo động lực cho các cha mẹ tham gia. Con cái là những “viên kim cương” trong lòng cha mẹ. Chấp nhận và tìm ra giải pháp đồng hành cùng con là sức mạnh để thôi thúc cha mẹ hành động, vượt qua những tiêu cực, rào cản để con có được sự phát triển tốt nhất trong khả năng của trẻ.

[CPFAV] WORKSHOP “KÍCH THÍCH PHÁT TRIỂN GIAO TIẾP TIỀN NGÔN NGỮ CƠ CHO TRẺ BẠI NÃO” (CP)

Đối với các gia đình có con là trẻ CP, việc kích thích sự phát triển ngôn ngữ của trẻ luôn là vấn đề được các phụ huynh đặc biệt quan tâm. Thấu hiểu điều đó, ngày 10/8/2023, CPFAV – chi hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi workshop trực tuyến với chủ đề “Kích thích phát triển giao tiếp – tiền ngôn ngữ cơ cho trẻ bại não”, do Giảng viên Nguyễn Đức Sinh, giảng viên tại Trường Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh, đứng lớp, thu hút sự tham gia của gần 50 cha mẹ trẻ bại não.

Chỉ trong hơn 1 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, chuyên gia đã cùng với các cha mẹ chia sẻ, thảo luận sôi nổi về các vấn đề:

  • Mức độ vận động thô của trẻ bại não, tập trung vào các trẻ ở nhóm GMFSC IV – V
  • Giao tiếp tiền ngôn ngữ
  • Các hình thức giao tiếp ở trẻ
  • Một số gợi ý can thiệp cho trẻ tại nhà.

Những kiến thức bổ ích được ThS. Nguyễn Đức Sinh chia sẻ ngắn gọn, dễ hiểu, các câu hỏi của cha mẹ cũng được giải đáp hết sức tận tình.

Workshop thành công tốt đẹp đã mang tới những chia sẻ, kinh nghiệm và phương pháp giúp cha mẹ chăm con tại nhà một cách chi tiết và hiệu quả, đồng thời còn tăng cường nhận thức cho cha mẹ về tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần khi chăm sóc trẻ. Sức khoẻ tinh thần ổn định và tươi vui sẽ giúp cha mẹ có thêm nguồn năng lượng tích cực để tập trung chăm sóc, đồng hành cùng con.

2. CÁC HOẠT ĐỘNG CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO TRẺ BẠI NÃO

CHI HỘI SÓC SƠN – ĐÔNG ANH THĂM VÀ TRAO QUÀ ĐẾN GIA ĐÌNH
SIÊU NHÂN ĐỖ NGUYỄN HỒNG NGỌC

Vừa qua, chi hội Sóc Sơn đã đến thăm và trao quà hỗ trợ cho gia đình em Đỗ Nguyễn Hồng Ngọc, con mẹ Nguyễn Thị Mơ ở xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội.

Thay mặt CPFAV, chi hội Sóc Sơn- Đông Anh đã gửi số tiền hỗ trợ đột xuất  1.000.000 đồng tới gia đình em. Đồng thời, khi nhận được thông tin cần hỗ trợ, các tấm lòng vàng trong nhóm Thiện nguyện Lan Dương và những người bạn cũng đã gửi số tiền 5.600.000 đồng tới gia đình.

Trao quà đến gia đình em Đỗ Nguyễn Hồng Ngọc (Sóc Sơn – Hà Nội)

Gia đình em Ngọc thuộc hộ cận nghèo ở xã Đông Xuân. Bố em bị tai nạn lao động dẫn đến cụt tay phải. Chị Mơ – mẹ em sinh được hai người con, trong đó có em Hồng Ngọc bị bại não thể co cứng đặc biệt nặng, sinh hoạt cần có người chăm sóc. Cả nhà sống cùng ông nội, mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày, chi phí học tập của người con lớn, chi phí thuốc và phục hồi chức năng cho em đều phụ thuộc vào công việc bán mỳ dạo của mẹ. Ngày 22/7/2023, trên đường đi bán hàng, không may chị Mơ bị tai nạn giao thông gãy chân phải, vỡ xương bánh chè. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Hi vọng rằng, với sự hỗ trợ từ Hội, từ các mạnh thường quân sẽ phần nào giúp gia đình vượt qua khó khăn này.

CHƯƠNG TRÌNH BẢO TRỢ GIA ĐÌNH SIÊU NHÂN

Nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với các gia đình trẻ bại não có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) đã thực hiện Chương trình Bảo trợ Gia đình Siêu nhân. Mỗi gia đình sẽ nhận được dụng cụ phục hồi chức năng, bỉm, sữa, gạo,… tương đương 500,000VND/tháng và sẽ được các tình nguyện viên của CPFAV trao đến tận tay theo tháng (hoặc quý). Năm 2023, CPFAV phát động bảo trợ cho hơn 200 gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội.

Trao bảo trợ BTSN 201

Trao bảo trợ BTSN 131

Tính đến tháng 8/2023, có hơn 100 gia đình đã được nhận bảo trợ từ các Nhà bảo trợ với tấm lòng nhân ái. CPFAV đã thực hiện trao quà đến các gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội được đề xuất bảo trợ. Các Chi hội trưởng đã nhiệt tình không quản đường xá xa xôi để trao quà đến tận tay các con. Quà tặng bao gồm bỉm, sữa và các nhu yếu phẩm thiết yếu đã phần nào hỗ trợ các gia đình, đồng thời gửi gắm những tình cảm, sự yêu thương, sẻ chia của mọi người đối với hoàn cảnh của các em.

3. CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG TRẺ BẠI NÃO

CPFAV THĂM LIÊN MINH BẠI NÃO ÚC (Cerebral Palsy Alliance)

Từ ngày 21 đến ngày 30/7/2023, theo lời mời và tài trợ của Liên minh Bại não Úc (CPA), chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch CPFAV đã đến thăm và làm việc tại CPA – thành phố Sydney, Úc.

Liên minh bại não Úc Cerebral Palsy Alliance (CPA) là một tổ chức hỗ trợ người CP tại Úc, được thành lập từ năm 1945 từ một nhóm gia đình có con bại não, trong đó có Ông bà AUDRIE & NEIL McLEOD với vai trò sáng lập The Spastic Centre – tổ chức tiền thân của CPA hiện nay. Trải qua 78 năm, CPA đã trở thành một tổ chức phát triển mạnh mẽ, rộng khắp như hiện nay và là một tổ chức phi lợi nhuận lâu đời nhất trên thế giới.

Đoàn của CPFAV đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu của Ban Lãnh đạo, Ban Điều hành của CPA, bao gồm các ông: Mr. Andrew Buchanan – Chair of the Board, Mr. Stuart Comino – CPA Board of Directors, Mr. Rob White – Chief Executive Officer, Mr. Paul Henderson – Chief Operating Officer và hơn 30 chuyên gia đến từ CPA.

CPFAV nhận được sự đón tiếp nồng hậu của Ban Lãnh đạo, Ban Điều hành của CPA

Trong 4 ngày làm việc tại Sydney, CPFAV đã được tham gia 20 cuộc họp và đi thăm các mô hình, chương trình hỗ trợ người CP tại Úc với sự hỗ trợ của hơn 30 chuyên gia hàng đầu đến từ các lĩnh vực hỗ trợ người CP, bao gồm các vấn đề về:

  • Tổng quan về xây dựng tổ chức, chiến lược và tầm nhìn;
  • Thăm quan trụ sở và các dịch vụ được cung cấp tại CPA;
  • Truyền thông, gây quỹ và kết nối các nguồn lực gây quỹ cho CPFAV;
  • Gặp gỡ và thảo luận với nhà tài trợ Stryker;
  • Vận động chính sách và huy động các nguồn lực cho sự phát triển của tổ chức;
  • Thảo luận về các chương trình hỗ trợ Việt Nam;
  • Thảo luận về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong can thiệp, hỗ trợ người CP và ứng dụng tại Việt Nam;
  • Thăm Trung tâm trị liệu cho người CP;
  • Thảo luận về các chương trình nghiên cứu phục vụ người CP tại CP Quest;
  • Thảo luận về các vấn đề về phát hiện sớm, can thiệp sớm;
  • Học hỏi cách mà CPA làm việc với người CP và gia đình của họ và được trò chuyện trực tiếp với các gia đình đang được thụ hưởng dịch vụ tại CPA;
  • Thảo luận về sống độc lập và thăm quan Coster St House & Oceana House – 2 trong tổng số 120 ngôi nhà dành cho người CP;
  • Thăm Packforce – trung tâm hỗ trợ việc làm cho người CP;
  • Thăm Trung tâm thể thao dành cho người CP;
  • Thăm Lifestyles – Trung tâm hỗ trợ cuộc sống hàng ngày, tham gia các hoạt động xã hội và cộng đồng cho người CP.

Một số hình ảnh hoạt động của đoàn CPFAV trong 4 ngày tại CPA

Những kiến thức được học, được trải nghiệm tại CPA là vô cùng quý giá để CPFAV áp dụng và triển khai các hoạt động hỗ trợ cho người CP tại Việt Nam. CPFAV đã xác định rõ con đường mà tổ chức đang đi và những vấn đề mà CPFAV đang gặp phải từ những kinh nghiệm của CPA. Tư duy của chúng tôi là kế thừa kinh nghiệm của CPA – tổ chức đã đi trước hơn 70 năm và có những xuất phát điểm, đặc điểm khá tương đồng với chúng tôi hiện nay.

Sau chuyến đi, CPFAV sẽ có một số những thay đổi trong việc xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phù hợp với sự phát triển của tổ chức và bối cảnh xã hội chung trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là xác định rõ các vấn đề được CPFAV ưu tiên hàng đầu.

LỚP CHĂM CON CHO MẸ ĐI LÀM GIAO LƯU CÙNG KHOA VĂN HỌC –
ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Ngày 09/08/2023, các bạn nhỏ thuộc lớp học “Chăm con cho mẹ đi làm” đã có buổi giao lưu cùng các anh chị sinh viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Hoạt động này thuộc chuỗi hoạt Thiện nguyện Ước mơ xanh do trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức.

Trong Lớp chăm con, dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm lớp, các bạn TNV được tận tay chăm sóc các con những việc nhỏ như pha sữa, giúp các con ăn. Ngoài ra, các bạn còn tổ chức thêm những hoạt động giao lưu như trò chơi truyền bóng, văn nghệ với các em. Tuy khoảng thời gian bên cạnh nhau không nhiều, nhưng tất cả mọi người đều có một quãng thời gian rất vui vẻ, đáng nhớ. Đặc biệt, dù mới gặp nhau lần đầu nhưng các bạn nhỏ đều rất tự tin và tràn đầy năng lượng tham gia hoạt động cùng với anh chị.

Các bạn sinh viên Khoa Văn học – trường KHXH&NV – ĐH Quốc Gia Hà Nội vui chơi cùng các bé
trong Lớp Chăm con cho mẹ đi làm

Hoạt động diễn ra thành công tốt đẹp, chắc chắn là những trải nghiệm khó quên của các con và tất cả mọi người tham gia chương trình.

CPFAV GIAO LƯU CÙNG KHOA VĂN HỌC – ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN –
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRONG SỰ KIỆN “ƯỚC MƠ XANH”

Ngày 12/08/2023, CPFAV phối hợp với Khoa Văn Học – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sự kiện “ƯỚC MƠ XANH” thuộc chuỗi hoạt động Thiện nguyện Ước mơ xanh. Với sự năng động, nhiệt tình của Ban tổ chức và các bạn tình nguyện viên, chương trình đã thành công tốt đẹp, mang lại những giây phút vui vẻ và ý nghĩa với các bạn siêu nhân và gia đình.

Trong suốt chương trình, các bạn nhỏ cùng các anh chị TNV đã tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, trò chơi hấp dẫn tạo nên bầu không khí vô cùng gần gũi, sôi động. Bên cạnh đó, BTC cũng đã chuẩn bị những tờ giấy ghi chú xinh xắn dành cho các mẹ để gửi gắm dòng tâm tư, lời chúc và thông điệp yêu thương của mình. Cuối chương trình, những chú gấu bông xinh xắn được Ban tổ chức chuẩn bị trao tặng cho các em với hy vọng, nó không chỉ một vật lưu trữ những kỷ niệm của sự kiện Ước mơ xanh; mà còn là một người bạn có thể tiếp thêm động lực, năng lượng cho các em nhỏ của gia đình xanh lá.

Một số hoạt động tại sự kiện “Ước mơ xanh”

Nhân sự kiện này, Liên Chi đoàn – Liên Chi Hội Khoa Văn Học đã ủng hộ 1.500.000 đồng vào tài khoản Thiện Nguyện 0610 MBBANK của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, cùng những phần quà thiết thực dành cho các bạn nhỏ.

Liên Chi đoàn – Liên Chi Hội Khoa Văn Học ủng hộ 1.500.000 đồng vào tài khoản Thiện Nguyện 0610 MBBANK của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam

Hi vọng rằng, thông qua sự kiện này, mỗi em bé của cộng đồng chúng ta sẽ nuôi dưỡng trong mình một “ước mơ xanh” để nỗ lực trên hành trình tương lai phía trước.

KHỞI ĐỘNG GIẢI CHẠY “NÂNG BƯỚC CHÂN EM 2023”

Được tổ chức từ năm 2019, Chạy thiện nguyện – Nâng bước chân em đã thu hút sự tham gia của hơn 3000 người, gây quỹ cho hàng ngàn trẻ em bại não có cơ hội được cải thiện chất lượng cuộc sống, hòa nhập xã hội, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng bại não. Bước sang năm thứ 5, Nâng bước chân em năm 2023 kỳ vọng sẽ mang đến những dấu ấn đặc biệt nhất cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chung mục tiêu hướng tới tinh thần nhân văn cao cả: Chung nhịp chạy – Trao yêu thương – Chạy vì trẻ em bại não.
Giải chạy do Công ty CP Công nghệ HDP-FIL tài trợ từ năm 2019 & năm 2023 có sự hỗ trợ tổ chức của Công ty CP Truyền thông JMB nhằm gây Quỹ cho Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV).
 
 
Giải chạy sẽ diễn ra vào 7h30 Chủ nhật ngày 15/10/2023 tại Leparc Gamuda City – Công viên Yên Sở – Hà Nội
PHP Code Snippets Powered By : XYZScripts.com
Gọi ngay