BẢN TIN CPFAV THÁNG 05/2022

1.CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG CHO TRẺ BẠI NÃO

TẬP HUẤN: “GIỚI THIỆU VỀ GIẢI PHÁP GIAO TIẾP TĂNG CƯỜNG VÀ THAY THẾ (AAC) VÀ ỨNG DỤNG TALK TABLET VN, ALPHA TOPICS, ARTICULOUND CHO CHA MẸ TRẺ BẠI NÃO”

Với mong muốn hỗ trợ, cải thiện phần nào trong học tập và đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ bại não bị mất ngôn ngữ, rối loạn âm lời nói, Humanity & Inclusion, Khoa Nhi Bệnh viện PHCN Hà Nội và Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam tổ chức Khóa tập huấn: “Giới thiệu về AAC và ứng dụng Talk Tablet VN, Alpha Topics, Articulound cho cha mẹ trẻ bại não”.

BUỔI 1 NGÀY 18/05/2022

Ngày 18/5/2022, tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam phối hợp với Humanity & Inclusion và Khoa Nhi – Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đã tổ chức buổi tập huấn đầu tiên trong khóa tập huấn “Giới thiệu về AAC và ứng dụng Talk Tablet VN, Alpha Topics, Articulound cho cha mẹ trẻ bại não”. Với mục tiêu hỗ trợ, bổ túc thêm những kiến thức cho cha mẹ trong việc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ để phần nào đó giảm thiểu những khó khăn trong vấn đề giao tiếp, học tập và sinh hoạt hàng ngày của trẻ bại não, buổi tập huấn đã được các cha mẹ đón nhận và tham gia rất nhiệt tình.

Đến dự, chia sẻ, hướng dẫn và động viên cha mẹ, Ths.Bs. Hoàng Khánh Chi – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện PHCN Hà Nội đã có bài phát biểu, chia sẻ sâu sắc về chương trình cũng như những mục tiêu mà ứng dụng Talk Tablet hướng đến.

Kết thúc buổi tập huấn, chị Cao Lan Anh – PCT CPFAV phát biểu cảm ơn sự hướng dẫn tận tình, cụ thể của các bác sĩ hướng dẫn cũng như là sự hỗ trợ của Khoa Nhi – Bệnh viên Phục hồi chức năng Hà Nội  để có một buổi tập huấn thành công tốt đẹp. Các đại diện phụ huynh cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bác sĩ, người hướng dẫn trong buổi tập huấn.

BUỔI 2 NGÀY 26/05/2022

Ngày 26/5/2022, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam phối hợp với Humanity & Inclusion và Khoa Nhi – Bệnh Viện Phục Hồi Chức Năng Hà Nội đã tổ chức buổi tập huấn thứ hai trong khóa tập huấn “Giới thiệu về AAC và ứng dụng Talk Tablet VN, Alpha Topics, Articulound cho cha mẹ trẻ bại não” bằng hình thức trực tuyến qua ứng dụng Zoom. Buổi tập huấn đã được các cha mẹ đón nhận và tham gia rất nhiệt tình.

Đại diện Humanity & Inclusion(HI), chị Trương Hiền Anh – Phó Giám đốc Quốc gia của HI đã có bài phát biểu, chia sẻ sâu sắc về chương trình cũng như những mục tiêu mà ứng dụng Talk Tablet hướng đến.

Trong buổi tập huấn, BS Chi và BS Dung và đã trình bày về giải pháp giao tiếp tăng cường và thay thế (AAC), ứng dụng Talk Tablet VN, Alpha Topics, Articulound; những phương pháp cụ thể trong AAC và cách để phụ huynh có thể thực hành giải pháp AAC cho các con trong giao tiếp hàng ngày. Các cha mẹ đã được các bác sĩ, chuyên gia và người hướng dẫn giải đáp những thắc mắc xung quanh về các ứng dụng.Các bác sĩ hướng dẫn cũng đã đồng hành, hỗ trợ phụ huynh trong quá trình thực hành, đánh giá khả năng của các trẻ và đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn hữu ích cho các con.

Kết thúc buổi tập huấn, chị Nguyễn Thu Hồng – Nhân viên dự án của CPFAV phát biểu cảm ơn sự hướng dẫn tận tình, cụ thể của các bác sĩ hướng dẫn cũng như là sự hỗ trợ của Khoa Nhi – Bệnh viên Phục hồi chức năng Hà Nội để có một buổi tập huấn thành công tốt đẹp. Các đại diện phụ huynh cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bác sĩ, người hướng dẫn trong buổi tập huấn.

II.CÁC HOẠT ĐỘNG GÓP PHẦN CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO TRẺ BẠI NÃO

CHƯƠNG TRÌNH “BẢO TRỢ GIA ĐÌNH SIÊU NHÂN”

Nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với các gia đình trẻ bại não có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) đã thực hiện Chương trình Bảo trợ Gia đình Siêu nhân. Mỗi gia đình sẽ nhận được dụng cụ phục hồi chức năng, bỉm, sữa, gạo,… tương đương 500,000VND/tháng và sẽ được các tình nguyện viên của CPFAV trao đến tận tay theo tháng (hoặc quý). Năm 2022, CPFAV phát động bảo trợ cho hơn 200 gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội.

Tính đến tháng 5/2022, có gần 100 gia đình đã được nhận bảo trợ từ các Nhà bảo trợ với tấm lòng nhân ái. CPFAV đã thực hiện trao quà đến 90 gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội được đề xuất bảo trợ. Các Chi hội trưởng đã nhiệt tình không quản đường xá xa xôi để trao quà đến tận tay các con. Quà tặng bao gồm bỉm, sữa và các nhu yếu phẩm thiết yếu đã phần nào hỗ trợ các gia đình, đồng thời gửi gắm những tình cảm, sự yêu thương, sẻ chia của mọi người đối với hoàn cảnh của các em.

Thực hiện trao Bảo trợ tháng 5/2022 tại CPFAV khu vực phía Nam

THÀNH LẬP QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM BẠI NÃO GOGREEN4CP

Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam hân hoan chào đón một nguồn lực thứ 2 đến với cộng đồng trẻ bại não (CP). Ngày 6/4/2022, Doanh nghiệp xã hội GoGreen – một doanh nghiệp của và vì người khuyết tật đã ký Quyết định thành lập Quỹ Bảo trợ trẻ em bại não GoGreen4CP. Mục đích của Quỹ nhằm tái đầu tư sử dụng ít nhất 51% lợi nhuận sau thuế hàng năm của Doanh nghiệp và tiếp nhận tài trợ, viện trợ của các cá nhân, tổ chức nhằm giải quyết các mục tiêu xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Đối tượng hưởng lợi của Quỹ là Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam.

Hi vọng với sự ra đời của Doanh nghiệp Xã hội GoGreen cùng QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM BẠI NÃO GOGREEN4CP sẽ đem lại một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ CP tại Việt Nam.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG TRẺ BẠI NÃO VIỆT NAM

CƠ CHẾ PHẢN HỒI VÀ DANH SÁCH CÁC VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ TRONG BÁO CÁO ĐẦU TIÊN VỀ THỰC THI CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN NGƯỜI KHUYẾT TẬT CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM

Ngày 11-13/05/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tập huấn “Cơ chế phản hồi và Danh sách các vấn đề cần làm rõ trong báo cáo đầu tiên về thực thi công ước quốc tế về quyền người khuyết tật của chính phủ Việt Nam”. Hoạt động nhằm bồi dưỡng năng lực cho các tổ chức nòng cốt của người khuyết tật trong việc phản hồi về các chính sách với các cơ quan nhà nước và tập huấn cách viết bản đệ trình danh sách các vấn đề trong Báo cáo Quốc gia đầu tiên trình Ủy ban về Quyền của người khuyết tật (CRPD).

Đặc biệt, Hội Gia đình Trẻ bại não Việt Nam – CPFAV đã có chị Đinh Thị Lan Anh đại diện Hội tham dự chương trình. Tham gia tập huấn còn có chị Lưu Thị Hiếu – thành viên CLB CP trưởng thành. Chị Hiếu hiện đang là nhân viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cam kết: “UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực của các đại biểu. Trong buổi tập huấn này, chúng tôi tập hợp các nhà chuyên môn quốc tế để chia sẻ với các đại biểu những thông lệ tốt về cơ chế phản hồi và báo cáo CRPD. Chúng tôi hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ hữu ích cho việc hoàn thành bản đệ trình nói riêng và công việc giám sát CRPD nói chung.”

CUỘC THI ẢNH ONLINE “NỤ CƯỜI SIÊU NHÂN”

Hoà trong niềm vui chung của ngày tết thiếu nhi 1/6, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) và Quỹ Bảo trợ trẻ em bại não GoGreen4CP tổ chức cuộc thi ảnh “NỤ CƯỜI SIÊU NHÂN”.

BTC rất vui khi nhận được 184 bài dự thi của các con trên cả nước. Thông qua cuộc thi, những nụ cười xinh tươi, đáng yêu của các siêu nhân đã được lan tỏa rộng rãi, đó là một phần động lực để lan tỏa niềm vui trong cộng đồng của chúng ta.

Dựa trên kết quả lượt like, share của các bài dự thi hợp lệ, CPFAV công bố kết quả chương trình như sau:

1 giải Nhất: 1 áo truyền thống của CPFAV và Set quà tặng đến từ Quỹ GoGreen4CP (2 hộp Tinh bột kháng GoGreen và 2 hộp Siro DHA Helkind) + 1 cuốn sách

  • #NCSN046: Ngô Quý Bảo Khánh – Hà Nội

2 giải Nhì: 1 áo truyền thống của CPFAV và Set quà tặng đến từ Quỹ GoGreen4CP (1 hộp Tinh bột kháng GoGreen và 1 hộp Siro DHA Helkind) +1 cuốn sách

  • #NCSN024: Nguyễn Hữu Đại Phú – Nghệ An
  • #NCSN118: Nguyễn Hồng Phúc – Hà Nội

3 giải Ba: 1 áo truyền thống của CPFAV và quà tặng đến từ Quỹ GoGreen4CP (01 hộp Tinh bột kháng GoGreen)+ 1 cuốn sách

  • #NCSN043: Trương Công Bảo Huy – Đăk Lăk
  • #NCSN016 : Trần Huyền My –  Hà Nội
  • #NCSN142 : Nguyễn Xuân Phúc – Bắc Ninh

5 giải khuyến khích: Quà tặng đến từ Quỹ GoGreen4CP 1 hộp Siro DHA Helkind+ 1 cuốn sách

  • #NCSN068: Nguyễn Bảo Nam, Nguyễn Thanh Nhàn – Thanh Hóa
  • #NCSN028:  Dương Ngọc Dũng – Ninh Bình
  • #NCSN017: Vũ Hải Anh – Lào Cai
  • #NCSN065: Dương Phúc Minh Anh – Nghệ An
  • #NCSN049: Lê Mỹ Hạnh – Thái Bình

Giải do Quỹ GoGreen4CP trao tặng (bình chọn độc lập với vòng like/share)

05 ảnh có nụ cười đẹp nhất: 2 hộp Tinh bột kháng GoGreen +1 cuốn sách

  • #NCSN087: Nguyễn Thanh Huyền- Nghệ An
  • #NCSN097: Trịnh Lâm Hoàng- Hà Nội
  • #NCSN001: Nguyễn Hoàng Phát- Thanh Hóa
  • #NCSN109: Lê Nguyễn Phương Thảo- TP. Hồ Chí Minh
  • #NCSN023: Hoàng Thị Tiến An- Nghệ An

CPFAV xin trân trọng cảm ơn MTQ Tran Lam đã đồng tài trợ giải thưởng cho cuộc thi “Nụ cười siêu nhân”.

Các con đạt giải Nụ cười đẹp nhất

CHƯƠNG TRÌNH THAM VẤN ĐỒNG CẢNH THÁNG 5 CHỦ ĐỀ
“TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN VỚI NGƯỜI CP”

Yêu và được yêu là quyền cơ bản của mỗi con người, bao gồm cả người khuyết tật, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, hoàn cảnh, tình trạng sức khỏe. Thế nhưng, người khuyết tật vẫn gặp rất nhiều rào cản trong vấn đề tình yêu và hôn nhân. Sự e ngại từ bản thân người khuyết tật, định kiến xã hội, sự lo lắng từ gia đình và nhiều yếu tố khác nữa đã làm họ trở nên khó khăn trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình. Thực tế đó đã thôi thúc câu lạc bộ tổ chức buổi tham vấn đồng cảnh với chủ đề “Tình yêu và hôn nhân với người CP” vào chiều ngày 15/5 vừa qua.

Buổi tham vấn có sự tham gia của khách mời là chị Lê Thị Phương Lan – Chuyên gia tư vấn tâm lý và kỹ năng sống, chị Nguyễn Thuỳ Chi – Chủ nhiệm CLB Người trưởng thành sống với chứng bại não Việt Nam, Uỷ viên BCH Hội Gia đình trẻ bại não Việt  Nam – CPFAV, cùng toàn thể thành viên CLB.

Chị Lê Thị Phương Lan – Chuyên gia tư vấn tâm lý và kỹ năng sống

Nội dung của buổi tham vấn tập trung vào chủ đề  “Tình yêu và hôn nhân với người CP”, trong không khí vui vẻ và ấm áp. Những tâm sự của các bạn CP về tình yêu và hôn nhân dẫu còn nhiều trăn trở, nhưng thể hiện khát khao hòa nhập và vươn tới hạnh phúc, có một gia đình nhỏ của riêng mình.

Cũng tại buổi tham vấn, khách mời và chị Nguyễn Thùy Chi và đã có những chia sẻ, trải lòng đáng suy ngẫm. Trong tình yêu, mọi thứ đều công bằng. Bạn yêu một ai đó, bạn chấp nhận những ưu điểm và khuyết điểm về cơ thể và tính cách của người đó. Khi yêu, bạn hiểu rõ cuộc sống của đối phương, và đã quyết định rằng người yêu của mình quan trọng hơn những khó khăn mà cả hai sẽ phải đối mặt. Tình yêu không phải là sự thương hại, vì vậy nó không liên quan gì tới khuyết tật của bất cứ ai. Khi yêu, ai trong chúng ta cũng có niềm hạnh phúc và nỗi khổ cực của riêng mình. Người khuyết tật cũng vậy, tình yêu của người khuyết tật cũng bình thường, chẳng có gì khác biệt.

Chị Nguyễn Thuỳ Chi – Chủ nhiệm CLB Người trưởng thành sống với chứng bại não Việt Nam, Uỷ viên BCH Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam – CPFAV

Tham vấn đồng cảnh là hoạt động diễn ra 2 tháng 1 lần của câu lạc bộ với mong muốn trở thành nơi để thành viên chia sẻ và gắn kết nhiều hơn. BCN hi vọng rằng, TVĐC tháng 5 đã tiếp thêm niềm tin và nghị lực, quyết tâm cho các bạn trong hành trình tìm kiếm tình yêu và xây dựng mái ấm hạnh phúc…

CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN KỸ NĂNG TRUYỀN THÔNG KỸ THUẬT SỐ CHO KẾ HOẠCH TỔNG THỂ ASEAN 2025

Ngày 25/05/2022, đã diễn ra Chương trình tập huấn “Kỹ năng truyền thông kỹ thuật số cho kế hoạch tổng thể Asean 2025” theo hình thức online qua nền tảng Zoom. Hoạt động được Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập của Người khuyết tật Hà Nội tổ chức nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác truyền thông kỹ thuật số cho các tổ chức của người khuyết tật, phục vụ kế hoạch tổng thể Asean 2025  về lồng ghép quyền của người khuyết tật, khuyến khích sự đóng góp của những người ít có tiếng nói trong xã hội.

Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 20 đại biểu trong đó có bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập; Bà Nguyễn Bích Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập; Ông Trần Quốc Nam, Giảng viên D&ID, ICC; Ông Nguyễn Đình Quyền, Chuyên gia về Video; cùng đại diện Lãnh đạo của các Hội, nhóm, Câu lạc bộ của người khuyết tật đến từ các tỉnh/thành trên toàn quốc.

Tham dự buổi tập huấn, đại diện cho câu lạc bộ CP trưởng thành có chị Nguyễn Thùy Chi, Chủ nhiệm câu lạc bộ, Ủy viên BCH Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam; anh Trần Quốc Hiệp, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ; chị Trần Thị Huyền Trang, Ủy viên, phụ trách truyền thông của câu lạc bộ.

Chương trình tập huấn đã cung cấp những kiến thức ngắn gọn, bổ ích về công cụ và phương pháp truyền thông kỹ thuật số; quy định, luật, chính sách của nhà nước liên quan đến truyền thông mạng xã hội. Đặc biệt, phần hướng dẫn kỹ năng chụp ảnh, quay video/clip ngắn do ông Nguyễn Đình Quyền – chuyên gia về video chia sẻ đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của tất cả mọi người tham gia buổi tập huấn.

Ban tổ chức hi vọng, thông qua chương trình, đại biểu và những người tham gia đều có sự mở mang, phát triển, có hành trang hữu ích để công tác truyền thông về quyền của người khuyết tật thêm hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích, lan tỏa xã hội để người khuyết tật có cuộc sống bình đẳng, hòa nhập tốt hơn nữa trong tương lai.

TẬP HUẤN: NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI QUYỀN NĂNG KINH TẾ CỦA PHỤ NỮ KHUYẾT TẬT

Chương trình tập huấn “Nâng cao nhận thức của gia đinh và cộng đồng đối với quyền năng kinh tế của phụ nữ khuyết tật” đã diễn ra vào ngày 26/5, trên nền tảng online Google Meet. Buổi tập huấn nằm trong chuỗi dự án “Ứng dụng công nghệ số nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ khuyết tật trong bối cảnh dịch Covid 19” do Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICTU) tổ chức. Với chủ đề này, dự án đã mời Chuyên gia Ngô Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) trực tiếp hướng dẫn.

Buổi tập huấn có sự tham gia của hơn 60 thành viên là đại diện của những NKT đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, là người nhà của phụ nữ khuyết tật, các giảng viên, sinh viên của Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, CLB CP Trưởng thành thuộc Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) Có đại diện là chị Nguyễn Thùy Chi – Chủ nhiệm CLB, Uỷ viên BCH Hội dự tập huấn.

Trong nội dung tập huấn Chuyên gia Ngô Thị Thu Hà đã đưa ra cách tiếp cận mới và đầy đủ nhất về khái niệm “Khuyết tật” đó là ngoài những khiếm khuyết về thể chất và tinh thần còn cộng thêm những rào cản về mặt xã hội, khiến NKT gặp khó khăn trong quá trình học tâp, làm việc, hòa nhập xã hội. Chuyên gia đã có những trao đổi mang tính chuyên sâu với các thành viên tham gia về nguyên nhân những rào cản với NKT nói chung, phụ nữ KT nói riêng. Những khó khăn khi phụ nữ KT nuốn phát triển kinh tế, và đua ra những giải pháp nhằm thúc đẩy quyền con người mà NKT xứng đáng được nhìn nhận. Theo Chuyên gia mọi vấn đề sẽ được giải quyết nếu chúng ta giải quyết được các bất bình đẳng về giới, giữa người khuyết tật và người không khuyết tật. Điều này căn cứ vào Quyền con người được quốc tế công nhận, dựa vào những điều khoản mà Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam đã quy định, và dựa trên chuẩn mực con người có nhân phẩm để nhìn nhận công bằng con người khi sinh ra dù ở trong thể tạng nào, cũng đều cần được tôn trọng và trao cơ hội như nhau để được sống và phát triển.

Chuyên gia Ngô Thị Thu Hà

Qua buổi tập huấn các thành viên đã có góc nhìn và hiểu rõ hơn về NKT nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng. Những khó khăn sẽ dần được cải thiện nếu xã hội và cộng đồng nhìn nhận đúng và trao cơ hội như nhau cho mọi đối tượng yếu thế, trong đó có NKT và phụ nữ KT. Đồng thời chính bản thân mỗi cá nhân là phụ nữ KT, NKT cũng cần vượt qua sự tự ti xuất hiện nhiều hơn ngoài cộng đồng để hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của bản thân, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình.

PHP Code Snippets Powered By : XYZScripts.com
Gọi ngay