SIÊU NHÂN HOÀNG PHÚC VÀ MÁ TƯ

Viết tặng riêng các mẹ siêu nhân!

Tuổi 18, mang một ước mơ màu hồng, tôi thích làm cô giáo, và tôi thi vào ngành Tin ĐHSPKT, 94K khoá học đầu tiên đào tạo giáo viên dạy Tin của trường. Học đến đầu năm 2 thì tôi cảm thấy việc mỗi tuần về quê xin tiền bố mẹ thật sự là một gánh nặng. Mặc dù bố mẹ tôi vẫn cố gắng để nuôi con ăn học đầy đủ, nhưng tôi muốn trải nghiệm “kiếm tiền”. Đang định lân la đi phụ quán cơm sinh viên, thì may thay, có 1 công ty xây dựng cầu đường lên văn phòng đoàn trường tìm 1 sinh viên dạy Tin và 1 sinh viên dạy kèm tiếng Anh cho nhân viên công ty. Anh bạn Bí thư Đoàn lớp tôi thông báo cho cả lớp cơ hội này “các bạn chỉ có 10 phút để quyết định, vì cả trường có nhiều anh chị lớp trên sẽ đăng ký đấy”. Tôi cũng thấy lo vì không biết mình có đảm đương cả lớp 10 người toàn lãnh đạo công ty. Nhưng nghĩ đến mức lương quá tốt (500k 1 tháng, trong khi mỗi tuần về xin mẹ 50k đã sống đủ), tôi quyết định đăng ký dạy tiếng Anh.

Công việc tương đối suôn sẽ dù có nhiều bỡ ngỡ, nhưng cả công ty ai cũng “iu” cô giáo nhỏ nên cô cũng tự tin lắm. Tháng đầu tiên cầm 500k mình làm ra, chạy về khoe bố mẹ, từ nay con không xin tiền nữa nha, con đã đủ tiền sống và đóng cả học phí. La lá la, cuộc đời tự do muôn năm.

Cuộc đời sinh viên cứ thế màu hồng tươi hơn, có tiền đi học, mua được cái áo, đôi giày mình thích, nói chung “Sướng”. Lúc ra trường cũng là lúc công ty họ dời về Bắc, giờ về đúng chuyên ngành mình thôi. Đi dạy kèm Tin cho “con nhà giàu”. Vì thời điểm đó, nhà ai giàu mới mua nổi máy vi tính. Xác định đi dạy kèm để học hỏi thêm kinh nghiệm, vì bản thân chưa mua nổi máy tính.

Đi dạy khắp nơi Sài gòn hơn 1 năm thì gặp biến cố. Mẹ ở quê bệnh nặng, về quê thăm Mẹ, thương quá, mình đi làm xa vầy, cả tháng về nhà 1 lần, giờ Mẹ không ai chăm sóc. Quyết định trong 1 nốt nhạc luôn, bỏ hết, về quê ở với Mẹ, đi dạy ở quê cũng tốt mà, lại được ở gần Mẹ. Mẹ vì thế cũng khỏe dần lên. Tốt quá rồi.

Thời điểm đó, năm 1999, Tin học mới bắt đầu phát triển, tôi chạy sô ngày 5 ca, dạy từ 7h sáng đến 9h tối, tiền vô như nước, hihi, sắm sửa cho Mẹ đủ thứ, vui vì là niềm tự hào của Mẹ. Lúc đó, lương giáo viên là 1.200k, mình chạy sô tháng kiếm 15 triệu tỉnh bơ. Cứ tuần này mua máy giặt cho mẹ là tuần sau mua Tivi.

Cuối năm 1999 thì “chống lầy” thôi, là anh chàng học cùng trường đã “me” 3 năm. Nhà chồng xa nên có chồng vẫn ở cũng mẹ, vừa có chồng, vừa ở với Mẹ, lãi chán, tội gì không lấy chồng. Hai vợ chồng cùng đi dạy Tin cho trường Nghề, vừa chạy sô trung tâm, cuộc sống yên bình, vui vẻ.

Vợ chồng chị Kim Ngọc và anh Công Luận

Năm 2000, sinh con trai đầu lòng, niềm vui chưa được tày gang, thì sét đánh ngang tai, con bị bệnh bại não do sinh ngộp. Cả nhà mình chính thức bị “quăng xuống vực”. Con nằm viện suốt, bố mẹ thay phiên nghỉ dạy để đi bệnh viện chăm con. Con được 3 tháng thì giám đốc trường Nghề bảo “nghỉ dạy hoài thôi tụi bây nghỉ luôn cho rồi”. Vừa nuốt nước mắt vào trong, “dạ, tụi con xin nghỉ”. Chính thức thất nghiệp!

Gom hết vốn liếng của 2 vợ chồng, tôi mua được 4 cái máy vi tính để ở nhà bắt đầu dạy kèm cho trẻ con trong xóm. Con bệnh nặng túc trực Bệnh viện, cứ chồng chăm con thì vợ kiếm tiền và ngược lại. Vài tháng sau thì cơ sở dạy kèm “tiếng tăm” quá, học viên đăng ký quá đông, vợ chồng bàn tính, ừ, đi vay. Vay 150 triệu (lãi 3% tháng) mua thêm 8 cái máy (máy thời điểm đó mắc tiền pà cố luôn, hihi). Làm đúng 1 năm, trả hết cả nợ lẫn lãi, vẫn dư tiền nuôi con ở Bệnh viện. Vẫn chưa chấp nhận sự thật con bệnh nặng, vẫn ngày làm, đêm khóc, khóc thương con, khóc thương mình.

Hai năm tiếp, dành dụm được ít tiền, quyết định cất lại nhà cho khang trang, có phòng riêng cho ông bà, cho ku Phúc có chổ nằm chơi sạch sẽ.

Năm 2006, sau 6 năm kiên trì tập VLTL (tôi thuê KTV đến nhà tập mỗi ngày cho ku Phúc), ku Phúc tự ngồi được một mình. Mừng như trúng số. Vợ chồng gom hết tiền, đưa con ra Hà Nội, tìm đến Viện châm cứu trung ương để trị bệnh cho con. Không quen ai ở Hà Nội, bố con thuê khách sạn cạnh Viện để tiện chăm con. Mẹ ở nhà lo dạy kiếm tiền gửi ra cho 2 bố con. Người Nam kẻ Bắc, con đau đớn do kim châm, không diễn tả được gia đình mình đã trải qua những ngày thật kinh khủng. May mắn là sau một đợt trị liệu, con tiến bộ nhiều, hết tiền, bố con đèo nhau về, con nghỉ ngơi 1 thời gian, bố mẹ lại cày kiếm tiền cho con đi tiếp. Thời gian con bệnh, tiền không bao nhiêu là đủ, trong đầu tôi lúc nào cũng đau đáu, mình phải làm thêm để lo cho con, lo cha mẹ già.

Em Hoàng Phúc đi châm cứu tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương

Đưa con đi Bệnh viện tập, cũng “chưng diện” cho ku Phúc thơm tho đẹp đẽ để các cô ôm ấp chàng không ngại. Các mẹ thấy ku Phúc diện, hỏi thăm mẹ mua đồ cho con ở đâu. Mẹ Phúc thì “tiết kiệm”, mua đồ cho con toàn đi chợ sĩ, mua cả lố vừa đẹp vừa rẻ. Thế là các mẹ nhờ mua giúp, mình 1 bước trở thành bà bán quần áo. Vậy là từ lúc đó, cứ các mẹ trong Bệnh viện, thậm chí các Bác sĩ, y tá, đều nhờ mình mua quần áo, mình đi tập cho con mang theo quyển sổ để noted lại toàn bộ yêu cầu, nhắm chừng 20 triệu, mình phi chợ An Đông, đem về, giao 2 ngày là sạch, giờ đây có thêm nghề bán quần áo theo order.

Xem Tivi thấy họ dạy làm hoa voan, thích quá, mình tranh thủ lúc đi lấy quần áo, ghé chợ Đại Quang Minh rinh phụ liệu về, sau khi xong việc của một ngày, đêm nào cũng mày mò làm hoa đến 2h sáng, hoa làm ra, có người đặt mua, thích quá, học trò thấy cô làm hoa, bảo cô ơi dạy con làm. Vậy là mua phụ liệu về bán luôn, vừa dạy Tin, vừa dạy làm hoa, vừa bán phụ liệu. Giờ thêm nghề “bán hoa” cơ đấy.

Cứ làm dư vài trăm triệu, bố lại đưa con đi trị bệnh, mẹ ở nhà lại cày. Thời điểm năm 2010, mỗi ngày con ở Hà Nội chi phí gần 1 triệu, từ tiền thuốc, tiền viện, tiền ăn, tiền khách sạn, vân vân và mây mây. Năm 2011, công việc dạy học không còn thuận lợi nữa, vì nhiều lý do khách quan, nhiều trung tâm, học viên ở các cơ quan hầu hết đã sử dụng thành thạo vi tính, trẻ con thì có nhà trường dạy chính khoá. Ngưỡng thất nghiệp lần nữa.

Làm gì để nuôi con, làm gì để vừa có tiền, vừa chủ động thời gian chăm con. Suy nghĩ nát óc. Chợt loé lên suy nghĩ, hàng ngày mình nấu ăn cho con, giờ nấu thử cho bạn bè ăn, bán online coi sao. Quyết là làm, con thích ăn lạp xưởng, thâm niên làm cho con ăn 10 năm rồi, giờ làm tặng bạn bè cho tụi nhỏ ăn. Bạn bè thích quá trời, ăn xong giới thiệu người này người kia, đã mấy cái tết rồi, mỗi tháng Chạp bán 1 tấn lạp xưởng. Bạn bè nó tấn phong “nữ quàng lạp xưởng”. Thêm 1 nghề.

Năm 2014, nghề dạy học bấp bênh vắt vẻo, không đủ thu nhập để nuôi con nữa rồi, giờ quyết định “mất dạy”, mở quán bán bún bò. Không ai tin cô giáo dám đi bán bún bò, thế mà mình làm tất đấy. Tôi bỏ hết ngoài tai mọi lời đàm tiếu của thiên hạ, dẹp chữ sĩ sang bên, tôi đi bán bún bò, chỉ một mục tiêu là mình phải cố gắng gấp nhiều lần người khác để lo cho con, cho cha mẹ, cho gia đình. Lại thêm 1 nghề, bán bún bò.

Chị Nguyễn Kim Ngọc – “hot mom bánh tráng trộn”

Năm 2015, thấy con gái hay lén mẹ mua bánh tráng trộn, lo con ăn uống mất vệ sinh, mẹ mua bánh về tự cắt tự phi hành tỏi cho con ăn cho đã, bạn bè tới chơi, lấy bánh tráng mời, bạn ăn xong, bảo mày làm đi, tao đem Sài Gòn bán, (ghi chú là bạn mềnh làm họa sĩ, bán bức tranh mấy ngàn đô), vậy mà nó muốn bán bánh tráng trộn, tin nổi không. Đời không học được chữ ngờ, kkk. Vậy mà hắn bán đắt quá trời, giờ có vài người bạn bán thôi, mỗi ngày cũng trộn tầm 50kg, đủ nuôi con rồi. Mẹ thêm biệt danh “hot mom bánh tráng trộn”.

41 tuổi, nhưng từ 17 năm nay, tôi chưa đi ra khỏi nhà 1 ngày để “sống riêng mình”, tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ mọi người hay đi chơi đâu đó. Có đôi khi, thấy mình bất lực vô cùng, tuyệt vọng, nhưng cảm giác đó qua mau sau một giấc ôm con trai ngủ. Sáng hôm sau lại làm mẹ chiến binh, mẹ phải khỏe, phải vui mới mang hạnh phúc cho con, cho ông bà, cho gia đình.

Chị Ngọc và con trai Hoàng Phúc

Viết ra đây, tôi muốn các em, nhất là các mẹ siêu nhân, đừng mặc cảm tự ti, số phận sắp đặt mình là mẹ siêu nhân, tức là mình phải cố gắng gấp nhiều lần người khác.

Với nhiều người, hạnh phúc là có tiền tỷ, hạnh phúc là được đi khắp nơi trên thế giới.

Với người khác, hạnh phúc chỉ đơn giản là được đưa con đến trường mỗi ngày.

Có câu “nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình”, thôi, nhìn ngang ngang cho dễ sống.

Cuộc đời, xét cho cùng, chỉ dài như hơi thở. Hạnh phúc là bằng lòng với những gì mình có. Mỗi ngày nêm thêm 1 lít yêu thương vào mỗi bữa ăn, con sẽ lớn, sẽ khoẻ. Nhứt định!

Yêu cả nhà siêu nhân, chúc các mẹ siêu nhân chân cứng đá mềm!

Cảm ơn cả nhà đã đọc đến đây

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Thấy trên mình quần áo vẫn …còn nguyên” kkk, chúc cả nhà vui.

Gia đình nhỏ của chị Nguyễn Kim Ngọc

______________________

Về siêu nhân Hoàng Phúc

– Em 6 tháng thì mới phát hiện bị CP, nhưng Bác sĩ không rõ nguyên nhân, gia đình mình chính thức bị “quăng xuống vực” kể từ ngày ấy (năm 2000). Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh (Bv Nhi đồng 1) kết luận em bại não dạng múa vờn, rối loạn trương lực cơ, tình trạng rất nặng.

– Em 3 tuổi, mình “ràng” em vô ghế nhựa cho em bắn súng đua xe trên computer để em vui vì có tiếng động.

– Em 6 tuổi, tự ngồi một mình (kỹ thuật viên VLTL tới nhà tập cho em mỗi ngày từ 6 tháng đến 6 tuổi).

– Em 6 tuổi, chơi game rất sành, biết cách chọn các option, biết chơi thắng. Tuy nhiên, em ko kiểm soát được tiêu tiểu, rất khổ tâm.

– Em 6 tuổi, ngồi vững, bố đưa em ra Viện châm cứu trung ương châm cứu cho em, may mắn được gặp “ông tiên” Nguyễn Tài Thu châm cho vài lần. Được 10 ngày thì em kiệt sức vì đau, vì xa mẹ, xa bà, bố mua vé cho em về.

– Em về nhà được vài hôm, ăn uống định thần lại, bất ngờ em kiểm soát được tiêu tiểu, không đi ị trong quần nữa, em ra dấu cho mẹ hiểu đưa em vào nhà vệ sinh, mừng không thể tả các mẹ ạ.

Em Hoàng Phúc những năm tháng đi trị liệu PHCN

– Vài hôm sau nữa thì thật là một điều không ai nghĩ tới, em lên máy tính, nhưng em không chơi game, em gõ phím đánh chữ, em viết rành mạch không sai chính tả câu nào, trước đó mẹ chưa hề dạy em bảng chữ cái, có bao giờ nghĩ em biết chữ. Cả nhà vỡ oà hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Mình còn nhớ chữ đầu tiên em viết là tên bố tên mẹ, tên em gái, sau đó thì em viết “mẹ ơi, Hà Nội đang hội nghị Apec”. Em biết chữ từ 6 tuổi. Sau đó thì cứ đưa em đi ra đường đi chơi dạo, em về sẽ viết lại toàn bộ bảng hiệu và số điện thoại em thấy trên đường, đặc biệt không bao giờ sai chính tả.

Em Hoàng Phúc ham mê đọc sách và công nghệ

– 7 tuổi, em tự mày mò trên mạng tự học các chương trình dạy tiếng Anh, giờ vốn từ em khá lắm, cũng mấy ngàn từ.

– 8 tuổi, em lại đi châm cứu, kiệt sức, em về, nhưng em luôn hun đúc “con phải cố gắng hết sứ vượt lên chính mình mẹ ạ”, em được cái dùng từ rất hoa mỹ và lạc quan.

– 9 tuổi, em gõ chữ không nhìn bàn phím nữa, em tự học sử dụng máy tính, đặc biệt sử dụng chuột khó nên em mày mò phím tắt, em nhớ các phim tắt và gõ nhanh mẹ nhìn theo không kịp, em tự biết cài đặt các phần mềm, game, em còn làm phim, từ phim đám cưới, sinh nhật …., mẹ thua em trình công nghệ luôn rồi.

– thời gian em không châm, mẹ đưa em đi tập ở Bệnh viện từ Long An đến Sài Gòn, tuần 3 buổi đi về 100km, mẹ đèo em xe máy.

– 13 tuổi, em lại ra Hà Nội châm, 1 tháng em đau quá, sụt cân, lại về.

– 17 tuổi, em mới đi được vài chục bước trong nhà, tuy nhiên phải có bố, mẹ đi sau cho em yên tâm. Tuổi 17, em chat chit suốt ngày, sống lạc quan với bạn bè Fb của em lắm. Máy tính của em đổi pass liên tục, em bắt đầu có “bí mật” rồi, mẹ chả bao giờ xem được tin nhắn của em với bạn đâu, thậm chí điện thoại “cùi bắp” của em cũng cài pass.

– Nay 22 tuổi, em đã trở thành một chàng trai với mong ước sống độc lập với nghề dựng video và đang nỗ lực mỗi ngày để thực hiện ước mơ đó.

Chị Ngọc và con trai Hoàng Phúc

Và mẹ Nguyễn Kim Ngọc – má Tư đã trở thành chị cả, cánh chim đại bàng trong cộng đồng mẹ siêu nhân để mỗi người mẹ trẻ có thể vịn vào mỗi khi nhụt chí. Trang cá nhân của chị là nơi đem lại tiếng cười, thắp lên ngọn lửa nghị sống và là “Mảnh Ghép Hoàn Hảo” trong cuộc đời này.

Cảm ơn má Tư!

Câu chuyện của chị Nguyễn Kim Ngọc trong chương trình “Mảnh ghép hoàn hảo” – VTV9

PHP Code Snippets Powered By : XYZScripts.com
Gọi ngay