Trần Hiệp tên đầy đủ là Trần Quốc Hiệp, anh là một người sống chung với chứng bại não (CP), Trần Hiệp đã tự khẳng định được bản thân, từng bước nỗ lực tự học, tự lập với khát khao cháy bỏng là có thể “tự bước đi” theo cách riêng trên hành trình của chính mình.
Sóng gió đầu tiên
Trần Hiệp là một chàng trai được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh sinh năm 1986 trong một gia đình có cha mẹ là công chức nhà nước, với mức thu nhập trung bình cũng chỉ đủ cho 4 miệng ăn gồm cha, mẹ, chị gái và Hiệp. Cứ ngỡ cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua với một gia đình nhỏ 2 con đủ trai, đủ gái. Cậu bé Hiệp được sinh ra trong niềm vui và sự kì vọng của cha mẹ, nhưng niềm vui đó không kéo dài được lâu khi gần 1 tuổi, sau cơn sốt dịch viêm não Nhật Bản bắt đầu xuất hiện phổ biến tại Việt Nam vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Hiệp đã được bác sĩ kết luận anh bị bại não thể co cứng. Chứng bệnh này khiến toàn bộ hệ thống thần kinh vận động của anh bị ảnh hưởng nặng nề khiến mọi sinh hoạt như đi lại, ăn uống, vệ sinh cá nhân… đều không thể tự thực hiện và cần có người trợ giúp.
Hiệp hơn 1 tuổi chụp cùng chị gái
Từng bước đổi thay từ tuyệt vọng đến khi thấy ánh sáng
- Những tháng ngày tuổi thơ thăng trầm
Thời thơ ấu của anh là những chuỗi ngày dài đi khắp nơi chữa bệnh. Bố đang làm đo đạc bản đồ ở viện Quy hoạch Hà Nội, mẹ là Y sỹ sản khoa tại nhà hộ sinh B, cả 2 người đã phải hy sinh sự nghiệp để dành thời gian đưa anh đến hết bệnh viện này qua các cơ sở phục hồi chức năng khác nhằm cải thiện tình trạng bệnh nhưng cũng chỉ khắc phục được phần nào. Sau khi đã không thể cải thiện được nữa và gia đình cũng dần cạn kiệt về kinh tế, nên bố mẹ đành đưa Hiệp về nhà. Suốt khoảng thời gian gần 20 năm, cuộc sống của chú bé Hiệp chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. “Tù túng, mặc cảm, tự ti… là những từ mô tả chính xác nhất về tôi khi đó” – Hiệp chia sẻ.
Nhưng ngoài những phút giây thoáng qua thấy cuộc sống bế tắc, Hiệp vẫn luôn cố gắng tìm cho mình những tia sáng hiếm hoi để thắp lên niềm hi vọng dù là nhỏ nhất. Hàng ngày, ngồi ngoài cửa trông quán tạp hóa của mẹ, nhìn các bạn đi học qua nhà cậu bé Hiệp đã cảm thấy thèm muốn và khát khao. Ngay từ khi có nhận thức, Hiệp đã ước mơ được theo đuổi con đường học vấn. Anh nhớ lại khi lên 4 tuổi, ông nội đã mua bảng chữ cái bằng nhựa và bìa cát-tông về ghép rồi dạy cho anh biết đọc thông thạo. Có lẽ cũng là do khả năng tự nhiên và lòng ham học hỏi của bản thân. Anh chia sẻ có chút ngượng ngùng “Tư duy về các con chữ, con số… dường như là một trong số ít sở trường của tôi”. Hiệp nhớ khi ông nội ghép những chữ cái bằng nhựa và bìa cát-tông anh đã có thể ghi nhớ, nhận diện mặt chữ, đánh vần và đọc khá nhanh, cộng thêm việc tự học bằng cách thực hành như xem tivi, đọc truyện, nghe nhạc, mặc dù khả năng nói có chút hạn chế vì ảnh hưởng từ thể trạng bệnh. Sau đó, do quen với việc ngồi trông quán tạp hóa, rồi hàng ngày đi chợ về, mẹ Hiệp lại liệt kê các thứ đồ với số lượng và giá tiền như thế nào, tổng cộng lại là bao nhiêu, rồi dần dần mẹ dạy cho cậu con trai bảng cửu chương, không lâu sau đó Hiệp đã có thể tính toán cơ bản tương đối tốt.
Rồi khi lớn lên, những hình ảnh về các trường đại học luôn hiện hữu trong tâm trí của Hiệp. Còn nhớ đợt đi vật lý trị liệu ở bệnh viện Nhi Trung Ương, khi qua trường đại học Luật Hà Nội, anh thầm ước trong lòng “giá như một ngày nào đó mình được ngồi trên bục giảng đường thì không còn gì phải tiếc nuối!”
Hiệp (bên phải) khoảng 12 tuổi
Chia sẻ về những sở trường anh nói một trong những sở thích đặc biệt là thói quen hay nghe nhạc tiếng Anh. Các ban nhạc nổi tiếng ngày đó như: ABBA; Boney M; Modern Talking… hay sau này là: Backstreet Boys; Spice Girls; Boyzone… anh đều rất yêu thích. Có lẽ đó cũng là một phần lý do mà anh dần làm quen và có năng khiếu về tiếng Anh.
Trần Hiệp tham gia các lớp học tiếng Anh cho người khuyết tật
Ngoài ra, Hiệp còn 2 thứ mà anh rất yêu thích nữa, đó là chơi Rubik và đánh cầu lông. Vào khoảng năm 12 tuổi, tình cờ Hiệp quen một anh quân nhân đến điều dưỡng tại bệnh viện Phòng không – Không quân ở gần nhà ra quán uống nước, khi thấy anh cầm trên tay khối Rubik với 6 mặt 6 màu khá bắt mắt, rồi giải mã trong thời gian chỉ 4 phút, Hiệp rất hiếu kỳ, tỏ ra thích thú và muốn chinh phục. Hiệp hỏi anh về công thức xoay, anh cũng quý mến tinh thần ham học hỏi của cậu bé ngồi xe lăn mà nhiệt tình hướng dẫn, rồi chỉ chưa đầy một tuần Hiệp đã giải được trò chơi trí tuệ này.
Với môn cầu lông là một câu chuyện khác. Bắt đầu từ khi thấy chị gái chơi cùng các bạn, rồi Hiệp đòi mẹ mua cho đôi vợt đánh tập hàng ngày với Thắng (anh bạn chí cốt và đến nay vẫn đang là người hỗ trợ, đồng hành cùng Hiệp), dần dần cũng quen tay. Nhưng chỉ đến khi gặp được hội chơi cầu nghiệp dư gần nhà, Hiệp mới thực sự có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về luật chơi, những loại vợt, cầu, các kỹ năng, động tác, các thuật ngữ chuyên môn… và tiếp nhận khá nhanh. Mặc dù không thể đứng, di chuyển cũng như vận động bình thường nhưng Hiệp vẫn tự tin mà khoe rằng khả năng và kỹ thuật chơi cầu của mình không hề thua kém (thậm chí còn hơn) những người khỏe mạnh chỉ chơi với mục đích tập thể thao chung chung (không đi sâu vào chuyên môn) hàng ngày.
Trần Hiệp thường xuyên chơi cầu lông để rèn luyện thể lực và sự nhanh nhẹn mặc dù di chuyển trên xe lăn
Tuy nhiên, do thể trạng khuyết tật của bản thân (phải sử dụng xe lăn và tay không thể tự viết được), điều kiện gia đình khó khăn (không có người hỗ trợ đi cùng) và tình hình thực tế không phù hợp (các cơ sở giáo dục ở địa phương không tiếp cận cho xe lăn và không dám nhận học sinh khuyết tật) đã khiến anh không thể được đến trường như các bạn đồng trang lứa. Cũng chính vì vậy, dù rất nỗ lực nhưng anh vẫn không thể tránh khỏi suy nghĩ tiêu cực mặc cảm, tự ti.
- Bước ngoặt trong đời
Thời gian trôi qua, tưởng chừng những tháng ngày ảm đạm đó sẽ song hành với anh suốt cả cuộc đời thì bước ngoặt đã đến. Một trang mới được mở ra khi cơ duyên đưa Hiệp đến với Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội (SĐL) Hà Nội vào năm 2009. Khi được giao lưu và học hỏi tại Trung tâm, anh thực sự cảm thấy được hòa nhập cộng đồng, tại đây anh được đào tạo nâng cao năng lực với những kỹ năng sống và làm việc, được có những người bạn đồng cảnh, những người bạn đồng hành là nhân viên hỗ trợ của Trung tâm; được biết thế nào là mô hình SĐL dành cho NKT.
Trần Hiệp tham gia Múa đương đại trong vở diễn Lộ Trường của Cuca Contemporary Dance Play Show
Những khóa tập huấn về kỹ năng SĐL, tham vấn đồng cảnh, vận động chính sách, những buổi dã ngoại gắn kết hội viên… đã giúp Hiệp tìm lại sự tự tin, học thêm được nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích, góp phần vào chương trình nâng cao năng lực cho những người bạn đồng cảnh. Năm 2014, Trần Hiệp chính thức trở thành Tham vấn viên và được TT cử đi hướng dẫn ở một số quận Hội địa phương.
Trần Hiệp tham gia rất nhiều các lớp tập huấn của các tổ chức của và vì người khuyết tật
Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động cộng đồng, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để có thể tiếp tục cống hiến cho phong trào của và vì NKT trong tương lai. Và có được những thành tích nhất định: Là hội viên, Tham vấn viên đồng cảnh xuất sắc của TT SĐL Hà Nội năm 2016. Anh được cử đi hướng dẫn tại các quận Hội từ 2016 – 2018, trở thành Chủ nhiệm CLB Tham vấn đồng cảnh, trực thuộc Hội NKT quận Hoàng Mai; Trưởng dự án Tham vấn đồng cảnh cho NKT quận Hoàng Mai năm 2018; được nhận giấy khen của Chủ tịch Hội; Đồng sáng lập và là Trưởng nhóm Vì Cuộc Sống Tươi Đẹp, hoạt động với mục đích nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT, nhóm được thành lập vào tháng 9 năm 2019.
Trần Hiệp luôn năng nổ trong các phong trào của NKT
Đối với Hiệp đó là động lực để anh tìm thấy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống, tạo ra sự tự tin để từng bước tự chủ trên hành trình của cuộc đời mình.
Tiếp tục với thử thách, kiến tạo tương lai
Có một tố chất ở Hiệp khiến chúng ta ngưỡng mộ anh, đó là không ngừng học hỏi, và luôn cố gắng chinh phục những nấc thang cao hơn, để hoàn thiện bản thân. Anh chia sẻ mình luôn mong muốn được tự lập thật sự, được trải nghiệm cảm giác được tự sắp xếp mọi sinh hoạt, mọi hoạt động của bản thân. Điều đó cứ thôi thúc anh mỗi ngày, một phần vì muốn rèn luyện kĩ năng của bản thân, mặt khác anh cũng muốn chứng tỏ cho gia đình thấy anh hoàn toàn có thể tự lập, từng bước gây dựng niềm tin với bố mẹ và chị gái. Đến tháng 5 vừa qua Hiệp đã quyết định chuyển ra ngoài thuê trọ cùng một người bạn đồng cảnh và có sự hỗ trợ của bạn hỗ trợ cá nhân. Những tháng ngày đầu tiên này anh cũng cảm thấy có chút lạ lẫm, thiếu hụt, nhưng ngược lại được tự chủ và có cơ hội thử thách khả năng bản thân.
Trần Hiệp di chuyển trên xe bus và anh đi bầu cử HĐND các cấp ngày 23.5.2021
Hiện nay, Hiệp đang làm tại Văn phòng hội, phụ trách mảng Tham vấn đồng cảnh & Hướng nghiệp cho trẻ CP thuộc Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) và là Phó Chủ nhiệm thường trực của Câu lạc bộ. Với công việc mới, đây hoàn toàn là một môi trường rộng mở để anh được cống hiến và hỗ trợ lại cho cộng đồng với những em bé có hoàn cảnh như mình. Bên cạnh đó, đây cũng là một thử thách khá lớn đối với anh. Hiệp tự nhận thấy bản thân còn nhiều hạn chế về kiến thức và chưa từng nghĩ có nhiều trường hợp người mắc CP như trên thực tế. Vì vậy, cách khắc phục tốt nhất anh nhận ra không gì hơn là phải nỗ lực mở rộng tư duy hơn, tích lũy kinh nghiệm và làm quen nhiều hơn với thực trạng hiện nay để đóng góp cho cộng đồng.
Trần Hiệp trong một buổi tham vấn tại Câu lạc bộ Tham vấn đồng cảnh và Hướng nghiệp cho trẻ bại não
Cuộc đời mỗi người luôn là một hành trình dài, mỗi người trong chúng ta đều là một “kĩ sư” để kiến tạo và xây dựng cho mình một hành trình ý nghĩa. Mong muốn của anh cũng thật giản dị như bao người trưởng thành khác đó là có công việc để được khẳng định và nuôi sống bản thân, một gia đình nhỏ của riêng mình trong tương lai để chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống, và tiếp tục được cống hiến cho cộng đồng.
Trần Hiệp tham gia giải chạy Thiện nguyện thường niên
Nâng bước chân em của CPFAV năm 2020
Điều Trần Hiệp muốn gửi tới các bạn sống với CP là hãy luôn tự tin, mạnh mẽ, cố gắng vượt qua mọi rào cản, lắng nghe trực giác của bản thân, quyết tâm không bỏ cuộc, hướng đến con đường mình đã chọn để có được cuộc sống tự chủ, đủ đầy và hạnh phúc!