- Tên dự án: Nâng cao năng lực cho cha mẹ trong chăm sóc trẻ CP
- Đơn vị tài trợ: Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN (LIN Center for Community Development)
- Đơn vị chủ quản: Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam
- Các cá nhân, đơn vị tham gia: Các chuyên gia đầu ngành đến từ Đại học Y Dược, bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.
- Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2021 – 4/2022
- Nội dung: Tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức và hướng dẫn thực hành chăm sóc trẻ CP
Với mong muốn có thể có thể hỗ trợ trẻ bại não (CP) một cách tốt nhất chúng tôi nhận ra không ai có thể hỗ trợ trẻ một cách toàn diện và thấu hiểu bằng chính cha mẹ, vì vậy để tiếp nối thành công của dự án “Thoát khỏi sàn nhà” vừa kết thúc, CPFAV khu vực miền Nam vinh dự được Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN (LIN Center for Community Development) tài trợ 60 triệu đồng để thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cho cha mẹ trong chăm sóc trẻ CP”. Với nỗ lực hết mình hướng về lợi ích thiết thực cho các gia đình có trẻ CP, đây là một chương trình huấn luyện chất lượng, chuyên sâu, phù hợp với từng trẻ được thực hiện trong các ngày chủ nhật trong tháng 3 – 4 với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Đại học Y Dược, bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.
Dự án được thực hiện theo 2 giai đoạn:
GIAI ĐOẠN 1: TỔ CHỨC CÁC LỚP TẬP HUẤN TRỰC TIẾP CHO CHA MẸ
Các lớp Tập huấn cho cha mẹ được tổ chức theo 3 chủ đề:
Chủ đề 1: Với tên gọi “Tổng quan về CP và Đánh giá hiệu quả của các phương pháp can thiệp hiện tại”. Được diễn ra vào thứ 6, ngày 5/3/2021. (Học Online – có 27 phụ huynh tham gia). Dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Đức Sinh và cô Nguyễn Vũ Kim Liên – giảng viên ĐHYD TPHCM.
Chủ đề 1 học online
Ở chủ đề này các phụ huynh được tiếp cận các kiến thức cơ bản về chứng CP, nguyên nhân bệnh và các thể cơ bản, những khó khăn mà trẻ thường gặp phải. Tiếp theo chương trình tập huấn đã giới thiệu mô hình can thiệp đa ngành, các phương pháp can thiệp hiện nay và mức độ hiệu quả.
Chủ đề 2: Với tên gọi “Lượng giá vận động thô, vận động tinh và sinh hoạt chức năng. Cách thiết lập mục tiêu.” Được diễn ra vào các chủ nhật ngày 14 (có 25 trẻ và 29 phụ huynh tham gia), ngày 21 (có 19 trẻ và 22 phụ huynh tham gia) và ngày18/4/2021 (có 16 trẻ và 16 phụ huynh tham gia). Địa điểm tại trường Mầm non 8, 110 Lý Chính Thắng, Q3, TPHCM. Dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Đức Sinh và cô Nguyễn Vũ Kim Liên giảng viên ĐHYD TPHCM.
Các phụ huynh được hỗ trợ về kiến thức
Các phụ huynh được hướng dẫn thực hành trực tiếp với trẻ
Trong chủ đề 2, các phụ huynh đã được hướng dẫn sâu hơn về cách lượng giá và thiết lập mục tiêu vận động tinh, vận đông thô cho trẻ. Đồng thời các phụ huynh được thực hành ngay trên trẻ, được hướng dẫn và chỉnh sửa tại chỗ cùng các chuyên gia.
Chủ đề 3: Hướng dẫn kỹ thuật tập thụ động và kéo dãn cơ bản, kiểm soát tư thế và chọn hoạt động chức năng phù hợp. Thời gian ngày 25 tháng 4/2021 (có 16 trẻ và 17 phụ huynh tham gia). Buổi tập huấn được hướng dẫn bởi thầy Nguyễn Đức Sinh hiện là giảng viên tại ĐHYD TPHCM và Bác sỹ Lê Tường Giao là Ths, Trưởng khoa PHCN – VLTL BV Nhi đồng 1. Địa điểm tập huấn tại trường Mầm non 8, 110 Lý Chính Thắng, Q3, TPHCM.
Các phụ huynh được hướng dẫn thực nghiệm kĩ thuật tập thụ động và kéo giãn cơ bản, cách kiểm soát tư thế và chọn hoạt động chức năng hỗ trợ phù hợp với từng trẻ.
Các bác sỹ, ktv rất nhiệt tình hướng dẫn cho phụ huynh cách hỗ trợ, chăm sóc trẻ CP đúng cách
Số lượng cha mẹ tham gia rất đông đảo, nhiệt tình, ham học hỏi. Đáng trân trọng hơn nữa là sự giảng dạy, hướng dẫn tận tình, thân thiện của các chuyên gia, bác sỹ có chuyên môn cao. Dự án đã mang lại những kiến thức thực sự bổ ích và thiết thực cho cha mẹ trong việc chăm sóc và luyện tập cho con.
Tập huấn Nâng cao năng lực cho cha mẹ
CPFAV xin trân trọng cảm ơn Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN đã đồng hành và hỗ trợ cha mẹ trẻ CP. Cảm ơn thầy Sinh, cô Liên và các TNV đã hết sức nhiệt tình và tận tâm. Cảm ơn các đơn vị hỗ trợ địa điểm, các TNV đã giúp sức cho CPFAV và các gia đình CP đã tham gia. Chúc tất cả mọi người dồi dào sức khỏe để góp phần tiếp tục công hiến và trợ giúp cho trẻ CP, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và từng bước hỗ trợ các em có thể hòa nhập cộng đồng một cách toàn diện.
CPFAV mong ngày càng có thêm càng nhiều khóa học như trên, để trang bị kiến thức và tiếp tục đồng hành với các gia đình có con mắc chứng bại não.
GIAI ĐOẠN 2: TRIỂN KHAI CÁC LỚP TẬP HUẤN TRỰC TUYẾN
Với phương châm “Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con”, CPFAV đẩy mạnh các chương trình nâng cao năng lực cho cha mẹ. Do hạn chế vì dịch Covid, dự án đã được chọn lọc và thay đổi nội dung, hình thức cho phù hợp.
Chương trình được tổ chức học trực tuyến qua Google Class, gồm 4 chủ đề, mỗi chủ đề học 3 hoặc 4 buổi, vào sáng chủ nhật hàng tuần, từ 8h30-10h30.
- Chủ đề 1: Sự phát triển kỹ năng vận động tinh và hoạt động hỗ trợ
- Chủ đề 2: Sự phát triển kỹ năng nhận thức và hoạt động hỗ trợ
- Chủ đề 3: Phát triển kỹ năng giao tiếp
- Chủ đề 4: Phát triển kỹ năng chơi
Giảng viên trực tiếp đứng lớp là cô Trương Thanh Loan, 20 năm làm việc với trẻ đặc biệt, hiện là Chi hội trưởng – Hội Khoa học tâm lý giáo dục nghiên cứu và phát triển ngôn ngữ trẻ đặc biệt; Hiệu trưởng trường chuyên biệt Từng Bước Nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ đề 1: Chủ đề đầu tiên “Sự phát triển kỹ năng vận động tinh và hoạt động hỗ trợ” đã được diễn ra qua hình thức học trực tuyến vào các ngày 27/12/2021, 2/1/2022, 9/1/2022 và 23/1/2022.
Cô Trương Thanh Loan – Hiệu trưởng trường chuyên biệt Từng Bước Nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp tập huấn
Sau buổi học đầu tiên, các phụ huynh đã nắm được kỹ năng vận động tinh là như thế nào, các kỹ năng vận động tinh trẻ cần phải rèn luyện và sự phát triển kỹ năng vận động tinh của trẻ từ 0 – 4 tuổi. Sau buổi học, ba mẹ đc thực hành đánh giá trên trẻ nhà mình và lập kế hoạch luyện tập trong các buổi tiếp theo.
Các nội dung của khóa tập huấn được xây dựng dựa trên cơ sở nhu cầu của các cha mẹ. Chính vì vậy, các buổi học đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của các cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Các cha mẹ đã đặt ra nhiều câu hỏi và được chuyên gia giải đáp cụ thể.
Chủ đề 2 “Sự phát triển kỹ năng nhận thức và hoạt động hỗ trợ” được tổ chức học trực tuyến qua Google Class vào khung giờ 19h30 các tối chủ nhật 13/3, 20/3,27/3 và 3/4/2022 để phù hợp các điều kiện sinh hoạt của các cha mẹ.
Các lớp tập huấn đã cung cấp cho cha mẹ kiến thức, kĩ năng cũng như tâm thế để đồng hành lâu dài cùng con.
Trân trọng cảm ơn Trung tâm hỗ trợ cộng đồng LIN đã tài trợ cho dự án, trực tiếp hỗ trợ các cha mẹ trong dự án cũng như để lại những tài liệu cơ bản giúp cho CPFAV xây dựng được hệ thống thư viện lâu dài cho các cha mẹ.
NHỮNG CÂU CHUYỆN CHIA SẺ TRONG DỰ ÁN
Chia sẻ của mẹ Đỗ Duyên thành phố Hồ Chí Minh
Chị đã gửi lời cảm ơn tới chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch Hội gia đình trẻ bại não Việt Nam, đã sáng lập ra hội và kết nối các mẹ có con siêu nhân lại với nhau, tạo thành một gia đình là nơi để cho các gia đình chia sẻ khó khan và kinh nghiệm chăm sóc trẻ CP, học tập và động viên cùng nhau để tốt hơn mỗi ngày.
Lời cảm ơn thứ 2 chị muốn gửi tới các thành viên chi hội Sài Gòn đã không quảng ngại khó khăn hỗ trợ các thành viên trong những buổi học. Với rất nhiều việc ví dụ như: nào là tìm kiếm địa chỉ thích hợp, nào là tìm kiếm tình nguyện viên trông coi con cho các mẹ an tâm tập trung học hành và không ngần ngại, kết nối, kêu gọi các mẹ đi học, để được mở mang và biết đến chương trình học ý nghĩa này.
Mẹ Đỗ Duyên và bé được tư vấn hỗ trợ
Chị chia sẻ chưa từng thấy có chương trình nào không những được đi học miễn phí mà lại còn được BTC hỗ trợ cử TNV trông các con, được hỗ trợ chi phí đi lại. Những người làm mẹ siêu nhân như các chị thiếu hiểu biết rất nhiều về kiến thức bệnh của con, rồi kiến thức để chăm sóc con. Mà tài liệu trên mạng hay ở ngoài cũng có phần han hẹp. Đôi khi muốn đưa con đi khám cũng không biết khám ở đâu, mảng nào mọi thứ cứ mông lung không rõ ràng. Những dữ liệu hay tài liệu nó thuộc về chuyên môn nên chỉ lưu hành nội bộ. Chị rất tiếc khi mình thông tin chậm quá làm lỡ mấy buổi kiến thức đáng quý để hiểu rõ hơn về cấu trúc não bộ của con người. Nhưng vớt vát được một buổi đã giải đáp cho chị nhiều thắc mắc, biết con mình thuộc thể gì, ở mức độ nào và mẹ phải can thiệp ra sao để đồng hành cùng con. Buổi học chỉ diễn ra có hai tiếng đồng hồ mà chị cảm thấy như bản thân được mở ra một con đường mới, tương lai của con cũng dần được xác định rõ hơn.
Lời cuối cùng, chị muốn cám ơn ban quản trị, các Mạnh Thường Quân những người làm chương trình đã không quảng ngại khó khăn, vất vả, giao lưu, kết nối các mẹ với chương trình để những người mẹ như các chị không còn lạc lõng, cô đơn. Mà mỗi ngày được tiếp thêm kiến thức, nghị lực, để đi tiếp trên con đường làm mẹ siêu nhân này.
Thư chia sẻ của mẹ Lại Thị Thu
Thân gửi nhà tài trợ LIN, các anh, chị trong ban tổ chức dự án “ Nâng cao năng lực cho cha mẹ” trẻ bại não.
Tôi là Lại Thị Thu, mẹ của con Đinh Trọng Thắng, nhận được sự hướng dẫn trong dự án lần này. Là một người mẹ của trẻ bại não, tôi cũng như bao cha mẹ khác tha thiết được tìm hiểu, học hỏi và hơn hết là được thực hành những kiến thức về bệnh của con. Bởi đặc thù riêng của bại não không trẻ nào giống nhau hoàn toàn nên không thể chỉ áp dụng lý thuyết dâp khuôn cho tất cả mọi trường hợp. Qua quá trình luyện tập cùng con, chữa bệnh cho con, khiến tôi hiểu rằng cha mẹ là người quyết định tới 70% sự tiến bộ của con, vì cha mẹ là người gần con nhất, hiểu con nhất, có nhiều thời gian bên con hơn bất kì cô kĩ thuật viên chuyên nghiệp nào. Vì vậy nếu cha mẹ được trang bị kiến thức, được học những kĩ thuật cơ bản, chọn được con đường đúng thì con sẽ có những tiến triển.
Mẹ Thu và bé Thắng trong giờ thực hành
Khi biết được Hội gia đình trẻ bại não khu vực miền Nam tổ chức Dự án này tôi rất hào hứng tham gia và những điều tôi và con nhận được là không thể đong đếm.
Nhờ buổi học đầu tiên tôi nhận ra rằng: muốn con tiến bộ thì chính cha mẹ phải thay đổi. Cha mẹ phải xác định được mức độ phát triển của con, con ở giai đoạn nào, con cần gì. Hiểu được căn bệnh của con là bệnh đường dài, bệnh cả đời, và đón nhận nó bằng tâm thế bình tĩnh. Nếu cứ mong mỏi những điều không thực tế, vượt ngoài khả năng của con sẽ khiến cha mẹ rơi vào bế tắc.
Thông qua dự án, nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy Sinh, cô Liên, tôi xác định được mục tiêu ngắn hạn dựa trên những gì con có, những bước tiến nhỏ, những bài tập vừa với sức của con. Vì vậy việc luyện tập của con hiệu quả hơn, khiến cả tôi và con đều hứng thú không còn áp lực. Tôi hiểu được rằng con đường không còn dài và vô vọng, nếu ta chia nhỏ đích đến.
Tôi thật sự cảm ơn thầy cô, cảm ơn các anh chị trong ban tổ chức và các bạn tình nguyện viên, đã là cầu nối để dự án thiết thực này đến với mẹ con tôi nói riêng và các gia đình siêu nhân nói chung. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới nhà tài trợ Lin và các mạnh thường quân đã tài trợ cho dự án này đã thêm niềm tin rằng các con và gia đình không hề đơn độc và đúng phương châm: không bao giờ bỏ con lại phía sau!