I.CÁC HOẠT ĐỘNG GÓP PHẦN CẢI THIỆN CUỘC SỐNG CHO TRẺ BẠI NÃO
CHƯƠNG TRÌNH “BẢO TRỢ SIÊU NHÂN”
Nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với các gia đình trẻ bại não có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) đã thực hiện Chương trình Bảo trợ Gia đình Siêu nhân. Mỗi gia đình sẽ nhận được dụng cụ phục hồi chức năng, bỉm, sữa, gạo,… tương đương 500,000VND/tháng và sẽ được các tình nguyện viên của CPFAV trao đến tận tay theo tháng (hoặc quý). Năm 2022, CPFAV phát động bảo trợ cho hơn 200 gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội.
Trao bảo trợ cho BTSN 128
Trao bảo trợ cho BTSN 197
Tính đến tháng 12/2022, có hơn 112 gia đình đã được nhận bảo trợ từ các Nhà bảo trợ với tấm lòng nhân ái. CPFAV đã thực hiện trao quà đến các gia đình đặc biệt khó khăn trong Hội được đề xuất bảo trợ. Các Chi hội trưởng đã nhiệt tình không quản đường xá xa xôi để trao quà đến tận tay các con. Quà tặng bao gồm bỉm, sữa và các nhu yếu phẩm thiết yếu đã phần nào hỗ trợ các gia đình, đồng thời gửi gắm những tình cảm, sự yêu thương, sẻ chia của mọi người đối với hoàn cảnh của các em.
HOẠT ĐỘNG CỦA MÁI ẤM GIA ĐÌNH SIÊU NHÂN
Bà Phan Thu Hương – Phó Chủ tịch Quỹ Thiện Tâm, tập đoàn VinGroup đến chúc mừng, động viên và tặng quà cho Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam
Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12 năm nay, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam – CPFAV vinh dự nhận được lời chúc mừng, động viên và quan tâm của Bà Phan Thu Hương – Phó Chủ tịch Quỹ Thiện Tâm, tập đoàn VinGroup.
Bà Phan Thu Hương – Phó Chủ tịch Quỹ Thiện Tâm, tập đoàn VinGroup đến chúc mừng, động viên và tặng quà cho Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam
Bà Hương đã gửi quà tặng của cá nhân bà đến Hội, bao gồm 01 máy laptop cho các bạn CP trưởng thành làm việc tại Văn phòng và 01 bình nóng lạnh được lắp cho Mái ấm Gia đình Siêu nhân. Đó là những món quà vô cùng thiết thực và kịp thời để các gia đình có nước nóng sửa dụng khi mùa đông vừa tới.
2.CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG TRẺ BẠI NÃO VIỆT NAM
CHÚC MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT
03/12/1992 – 03/12/2022
Ngày Quốc tế Người khuyết tật được Liên hợp quốc tổ chức ngày 3/12 từ năm 1992 nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về người khuyết tật trên toàn Thế giới.
Ngày Quốc tế Người khuyết tật được ra đời nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật. Nó cũng tìm cách nâng cao nhận thức lợi ích được bắt nguồn từ sự tích hợp của người khuyết tật trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Mỗi năm sẽ có một chủ đề khác nhau.
Chủ đề năm 2022: “Đổi mới vì một thế giới bình đẳng và tiếp cận cho Người khuyết tật.
HOẠT ĐỘNG CÂU LẠC BỘ CP TRƯỞNG THÀNH: HỘI THẢO “VAI TRÒ VÀ ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”
Ngày 02/12/2022, Hội thảo “Vai trò và Đóng góp của người khuyết tật trong các Mục tiêu phát triển bền vững” do UNDP, UNFPA, và UNICEF – ba cơ quan thực hiện dự án Đối tác của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (UNPRPD), đồng tổ chức, với sự tham gia của đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế. , Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD), các tổ chức của và vì người khuyết tật, các tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu. Câu lạc bộ CP trưởng thành đã cử đại diện tham gia sự kiện này.
Hội thảo là dịp để các bộ ban ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến các vấn đề về người khuyết tật thảo luận, tìm hiểu thêm về vai trò và sự đóng góp của người khuyết tật trong việc đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Thông điệp của Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam bà Pauline Tamesis tại Hội thảo: “Để thực hiện cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau, điều quan trọng là phải đảm bảo sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của xã hội. Điều quan trọng không kém là tạo ra môi trường thuận lợi bởi, cho và với người khuyết tật”
TỌA ĐÀM CHUYÊN ĐỀ “ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HÒA NHẬP CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG QUẢN TRỊ ĐỊA PHƯƠNG”: CẦN NỖ LỰC HƠN NỮA ĐỂ THÚC ĐẨY MỨC ĐỘ HÒA NHẬP CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG QUẢN TRỊ ĐỊA PHƯƠNG
Ngày 7/12, tại trụ sở Liên Hợp Quốc UNDP Vietnam đã diễn ra buổi tọa đàm chuyên đề “Đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương” do UNDP và Viện Nghiên cứu phát triển Mekong đồng tổ chức. CPFAV đã cử đại diện tham gia toạ đàm.
Các phát hiện mới nhất từ nghiên cứu thí điểm “Đánh giá mức độ hòa nhập của Người khuyết tật trong Quản trị địa phương” được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) công bố cho thấy:
- Mức độ tham gia của NKT ở cấp cơ sở còn thấp và có sự chênh lệch về giới và dạng khuyết tật, chỉ 34,4% người trả lời có tham gia vào các hội/nhóm/tổ chức xã hội.
- Tỷ lệ người trả lời không tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân và Đại biểu Quốc hội trong kỳ bầu cử gần nhất còn khá cao, ở mức 47,1%.
- Các thủ tục hành chính công dành cho NKT còn nhiều rào cản, đặc biệt là trong vấn đề cấp giấy xác nhận khuyết tật cũng như trợ cấp khuyết tật. Có tới 21% người tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính tại địa phương, đặc biệt là nhóm NKT dạng nghe nói.
- Gần 1/5 số người trả lời chưa được cấp giấy xác nhận khuyết tật, 86,1% người được hỏi cho rằng các khoản trợ cấp không đủ để đáp ứng cho chi phí sinh hoạt tối thiểu của một người khuyết tật.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị nâng cao mức độ hòa nhập người khuyết tật trong quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công trên các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, y tế, v.v.
Nghiên cứu do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) thực hiện, với sự tài trợ từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) thông qua chương trình nghiên cứu PAPI: Đo lường hiệu quả quản trị cấp tỉnh ở Việt Nam.
HỘI THẢO “TĂNG CƯỜNG CUNG CẤP CÁC DỊCH VỤ BẢO VỆ, CHĂM SÓC
VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM KHUYẾT TẬT HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG”
Sáng ngày 09/12/2022 Cục trẻ em – Bộ Lao động thương binh và xã hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tổ chức Hội thảo tăng cường cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Đến dự với buổi Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức quốc tế, chuyên gia và đại diện Sở LĐ TBXH 13 tỉnh thành.
Chị Đinh Thị Lan Anh- Chủ tịch Hội gia đình trẻ bại não Việt Nam – CPFAV đã có bài tham luận với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em bại não từ Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam và đề xuất các dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ bại não hiện nay”.
Chị Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam tham dự và có bài tham luận tại Hội thảo
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cùng trao đổi và thảo luận về nhiều nội dung, bao gồm: Thực trạng tình hình trẻ em khuyết tật và triển khai thực hiện Quyết định 1438/QĐ-TTg về hỗ trợ trẻ em tiếp cận dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; thực trạng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế cho trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng; giới thiệu về các mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật.
HỘI GIA ĐÌNH TRẺ BẠI NÃO VIỆT NAM -CPFAV THAM DỰ HỘI THẢO VỀ ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH HỆ THỐNG CƠ SỞ GIÁO DỤC CHUYÊN BIỆT ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HỆ THỐNG TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC HÒA NHẬP
Chiều ngày 20/12/2022, tại Hội trường Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã diễn ra buổi hội thảo “Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) và Tổ chức Angle’s Haven, Hàn Quốc đồng tổ chức, nhằm tạo diễn đàn khoa học, trao đổi kinh nghiệm hệ thống cơ sở giáo dục người khuyết tật của một số nước trên thế giới từ đó định hướng xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục cho người khuyết tật Việt Nam.
Tham dự hội thảo, có hơn 50 đại biểu trực tiếp và gần 200 đại biểu trực tuyến. Họ là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục, các nghiên cứu viên và các thầy cô giáo đến từ các cục, vụ chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện KHGDVN, các cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật (chuyên biệt/ hoà nhập, công lập/ tư thục), các trường đại học/ học viện trong và ngoài nước, các tổ chức UN và NGOs quốc tế và trong nước.
Đại diện Hội trẻ bại não Việt Nam (CPFAV)- chị Đinh Thị Lan Anh cũng tới tham dự trực tiếp.
Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp. Nội dung của buổi Hội thảo xoay quanh các vấn đề: Thực trạng hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại Việt Nam; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật tại Hàn Quốc; Hệ thống các cơ sở giáo dục cho người khuyết tật tại các nước trong khu vực Đông Nam Á; Giáo dục cho người khuyết tật tại Nauy; Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại Việt Nam, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
HOẠT ĐỘNG CHI HỘI NAM ĐỊNH: “NGÀY CỦA PHỞ” ĐỒNG HÀNH CÙNG
TRẺ BẠI NÃO TỈNH NAM ĐỊNH
Chương trình “Xe phở yêu thương” – một hoạt động từ thiện nằm trong chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12 do báo Tuổi Trẻ tổ chức hàng năm. Năm nay, “Xe phở yêu thương 2022” tiếp tục cuộc hành trình của mình, tiếp nối trong chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12, diễn ra 3 ngày 10, 11-12 với nhiều sự kiện tại TP Nam Định, nhằm hướng về các trẻ bại não và gia đình các em, với sự phối hợp của Chi hội Gia đình Trẻ bại não tỉnh Nam Định, trực thuộc Hội Gia đình Trẻ bại não Việt Nam (CPFAV).
Sáng ngày 12.12, tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, đã diễn ra một trong những hoạt động trọng tâm trong hành trình “ Ngày của Phở” hướng đến trẻ em bại não tại Chi Hội trẻ bại não tỉnh Nam Định. 69 bé trong Chi hội đã có mặt tại đây để gặp mặt ấm cúng, thân tình, được cùng nhau thưởng thức những tô phở nóng do các nghệ nhân nấu phở trực tiếp vào bếp – một hoạt động rất đỗi bình dị mà với các con, đó là trải nghiệm rất tuyệt vời, được ăn phở trong không gian không phải tại nhà, không phải giữa bốn bức tường. Các con được các cô chú trong Ban tổ chức, các họa hậu Ban Mai, Kim Ngân, H’Hen Niê, các TNV phục vụ tận nơi, đồng cảm, thân tình, đầy sẻ chia!
Các bé siêu nhân chi Hội Nam Định thưởng thức những tô phở trong
chương trình “Xe phở yêu thương” sáng ngày 12/12/2022
Trong không khí ấm áp và yêu thương, mỗi con nhận được quà tặng gồm 1 thùng phở Đệ Nhất, 1.000.000đ tiền mặt, sữa và đồ ăn, nhưng hơn cả là sự quan tâm dành cho cộng đồng yếu thế nhất trong xã hội – đó là cộng đồng trẻ bại não.
Các con tham gia được nhận quà tặng gồm 1 thùng phở Đệ Nhất, tiền mặt, sữa và đồ ăn
Đồng hành cùng chuỗi sự kiện là Ban tổ chức chương trình “Ngày của Phở”, Hiệp Hội Văn Hoá ẩm thực tỉnh Nam Định, Các gian hàng tham gia Gala Ngày của Phở, BQT Group Nam Định Đất và Người, các nhiếp ảnh gia, các nhà tài trợ, các MTQ và các nhà hảo tâm đã là cầu nối để các con có được những tình cảm lớn lao.
LỄ GIÁNG SINH RỘN RÀNG, ẤM ÁP CỦA LỚP HỌC SIÊU NHÂN
Ngày 24/12/2022, một lễ Giáng sinh rộn ràng, ấm áp đã diễn ra tại Lớp học Siêu nhân. Không gian nhỏ quen thuộc đã được thầy cô và các con cùng nhau trang hoàng rực rỡ, sẵn sàng chờ đợi ông già Noel xuất hiện. Đúng 9 giờ, ông già Noel – người mà các bạn nhỏ mong đợi đã đến. Ông tự tay tặng những món quà được chuẩn bị chu đáo đến các con, dạy các con học tiếng Anh và cùng nhau tương tác, chơi nhiều trò chơi thú vị. Các bạn Siêu nhân ai cũng vui và hào hứng.
Lễ Giáng Sinh đơn giản nhưng ấm cúng, là dịp để các bạn nhỏ trong lớp gắn bó, đoàn kết, thầy và trò có những kỷ niệm thật đẹp cùng nhau. Chúc tất cả các siêu nhân của lớp học một mùa Giáng sinh an lành, tràn đầy yêu thương!
“XANH LÁ” HÀ ĐỨC MẠNH NHẬN BẰNG KHEN CỦA SỞ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO TỈNH PHÚ THỌ NHÂN KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Sáng ngày 26/12/2022, Trạng Nguyên Tiếng Việt cấp quốc gia Hà Đức Mạnh – niềm tự hào của cộng đồng xanh lá, đã vinh dự được ông Phùng Quốc Lập- Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Phú Thọ trao tặng Bằng khen vì những cố gắng vươn lên trong học tập nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật.
Ông Phùng Quốc Lập- Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Phú Thọ trao tặng Bằng khen cho em Hà Đức Mạnh
Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho em sau bao ngày tháng kiên cường vượt qua những bất tiện về vận động do chứng CP (bại não), vượt lên những khó khăn của hoàn cảnh để đạt được thành tích trong học tập. Ở ngôi trường tiểu học Mỹ Thuận, Tân Sơn – Phú Thọ, Mạnh vẫn đang chăm chỉ, nỗ lực từng ngày để viết tiếp tương lai, truyền đi cảm hứng cho các bạn trong cộng đồng trẻ bại não (CP).
CHI HỘI TP HỒ CHÍ MINH: CHƯƠNG TRÌNH “ẤM LÒNG ĐÔNG SANG” – KHI CHO ĐI LÀ CÒN MÃI!
Với mong muốn chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn mỗi dịp Giáng sinh và năm mới, ngày 25/12/2022, với sự ủng hộ của các Mạnh thường quân là các cô, chú phòng Kế toán, công ty AEON, CPFAV Chi Hội TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức trao 25 phần quà tới các gia đình các bé bị chứng bại não khó khăn đang sinh sống tại thành phố HCM. Mỗi phần quà gồm 10 kg gạo và 300,000 đồng tiền mặt.
Ngoài ra, 6.942.000 đ tiền mặt cũng đã được dành để ủng hộ cho các hoạt động của chi Hội thành phố Hồ Chí Minh.
Trân trọng cảm ơn các cô chú của phòng Kế toán – công ty AEON đã gửi những phần quà ý nghĩa và thiết thực, chứa đựng sự yêu thương, quan tâm đến với các gia đình siêu nhân chi Hội TP. Hồ Chí Minh. Mùa đông này của các con sẽ tràn đầy ấm áp bởi luôn có vòng tay đùm bọc, chở che của mọi người!